Đàn bà – Tác giả: Nguyễn Khải

0
1847
-Quảng Cáo-

Nguyễn Khải tên thật là Nguyễn Mạnh Khải (sinh 3/12/1930 – mất 15/01/2008). Quê nội Nguyễn Khải ở thành phố Nam Định nhưng tuổi nhỏ sống ở nhiều nơi. Trong Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Khải gia nhập đội tự vệ chiến đấu chống thực dân Pháp ở thị xã Hưng Yên, sau đó vào bộ đội, làm y tá rồi làm báo.

Ông bắt đầu viết văn từ những năm 1950, được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và là một trong những gương mặt nổi bật của thế hệ nhà văn trưởng thành sau cách mạng tháng 8 năm 1945. Nguyễn Khải là đại biểu Quốc hội khóa VII; Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn VN khóa III.

Chủ đề các tác phẩm của Nguyễn Khải khá phong phú, viết về nông thôn trong quá trình xây dựng đổi mới, về bộ đội trong những năm chiến tranh chống Mỹ, về những vấn đề xã hội phản ánh tư tưởng, tinh thần của con người hiện nay trước những biến động phức tạp của đời sống.


Đàn bà

Tác giả: Nguyễn Khải

Lưu là đội trưởng cảnh sát hình sự tuyến, tức là cảnh sát đặc trách an ninh các tuyến đường giao thông.

Năm 82, Lưu 22 tuổi, anh lấy vợ, vợ chồng bằng tuổi nhau, cùng học với nhau ba năm trung học. Chồng làm công an, vợ làm ở khách sạn, được công ty du lịch phân cho một căn hộ ở trung tâm thành phố. Về đời riêng bắt đầu như thế cũng là hơn nhiều người.

Lưu rất đẹp trai, dáng vóc cao lớn, hao hao giống các diễn viên Hong Kong trong phim hình sự. Vợ cũng rất xinh gái, đẻ một con lại càng xinh, vợ chồng bế con đi chơi phố ai cũng phải ngoái cổ lại nhìn. Một cặp vợ chồng thời bình quả nhiên có khác nhiều với những cặp vợ chồng thời chiến. Họ là những người may mắn khiến các thế hệ sinh trước phải ghen tỵ. Chỉ có một trục trặc rất nhỏ, không đáng để ý.

Ấy là lương một trung sĩ công an hơi ít, có 51 đồng, đóng tiền ăn đã mất 18 đồng. Lương vợ bao nhiêu chồng cũng không hỏi, đại để lương chỉ là hình thức còn bổng mới là nguồn thu chính. Vì là bổng nên số tiền không cố định nhưng trong tủ lúc nào cũng có sẵn từng xấp tiền. Đẻ con, nuôi con, nuôi mẹ từ quê ra trông cháu đều là tiền của vợ. Lưu đi bắt cướp có khi phải đi vài ngày, tiền công tác rất ít cũng ngửa tay xin tiền vợ. Xin mãi cũng ngượng, vợ lại để sẵn tiền trong tủ nên về sau Lưu cứ tự tiện lấy, không mấy khi hỏi. Của vợ như của chồng, đã là vợ chồng ai còn phân bì của tôi với của anh. Nghĩ ngợi lẩm cẩm quá có khi vợ lại ngờ rằng tình yêu của anh với cô không trọn vẹn.

Một tối Lưu về nhà đã rất khuya nhưng vợ anh vẫn chưa về. Bà mẹ ra mở cửa mặt buồn rười rượi, hỏi câu nào trả lời câu ấy, mắt cứ nhìn xuống. Lưu đã vào giường nằm mới nghe bà cụ nói: “Anh thử hỏi vợ anh xem nó có muốn gửi con bé đi nhà trẻ không? Hàng xóm họ đều gửi con ở nhà trẻ cả, nghe nói các cô trông cháu cũng cẩn thận lắm”. Lưu hỏi: “Mẹ không thích ở đây nữa à?”. Bà cụ nói: “Tôi muốn về quê ít tháng, ở mãi đây cũng nóng ruột ở nhà”. Chuyện ở hay về là chuyện thường nhưng giọng nói lại không bình thường, cứ như người muốn khóc.

Lưu lại hỏi: “Mẹ chồng nàng dâu lại có chuyện gì không vui, phải không mẹ?” – “Không, chả có chuyện gì. Bỏ nhà đi cả năm, còn các em anh…” Mấy ngày sau Lưu nói chuyện với chị ở phòng kế bên mới hay dạo này vợ anh nói hỗn với mẹ chồng nhiều lắm. “Chắc là nó đổi tính, trước kia đâu có thế”. Chị kia nói: “Lâu rồi chú ơi. Bà cụ rất hiền, cứ bế cháu sang đây khóc lén khóc lút, lại còn dặn tôi phải giấu chú”. Lưu lại hỏi: “Cách đây mấy ngày chị có biết đã xảy ra chuyện gì không?” – “Mọi ngày giờ trưa cô ấy không về, trưa hôm ấy bỗng nhiên lại sồng sộc về, thấy bà cụ ôm cháu ngủ, bát đũa chưa rửa, thế là cô ấy làm ầm lên. Bảo là lấy chồng chứ ai lấy thằng ăn cắp. Chả biết lấy tiền cho gái hay cho anh cho em mà để tiền bao nhiêu hết bấy nhiêu”.

Lúc ấy Lưu mới ngớ người ra. Vợ lấy tiền của chồng là chuyện tự nhiên, nhưng chồng không làm ra tiền lại lấy của vợ tiêu lại là chuyện không bình thường. Lấy tiền mà không nói tức là thằng ăn cắp, chứ còn gì nữa.

Bà mẹ chồng về quê. Con gái gửi nhà trẻ rồi gửi mẫu giáo. Thỉnh thoảng vợ chồng Lưu vẫn mời bạn bè tới nhà dùng cơm. Thỉnh thoảng họ vẫn cùng nhau đi xem kịch, xem chiếu bóng và cùng uống nước giải khát ở các quán quen. Họ dắt con đi chơi vẫn có nhiều người ngoái lại nhìn. Vẫn là một cặp vợ chồng đẹp đôi và có vẻ thỏa mãn. Người ngoài tưởng thế, bạn bè cũng nghĩ thế nhưng hàng xóm thì biết giữa họ không khéo đã có chuyện to rồi. Vì căn hộ của cặp vợ chồng trẻ ấy không có tiếng cười, không có cả tiếng nói. Chồng về rất khuya cũng chỉ nghe có tiếng mở cửa rồi tiếng giội nước. Không thấy bật đèn và cũng không nghe có ai hỏi ai. Vợ về muộn cũng thế. Họ chỉ nói với nhau khi có bạn bè tới thăm hoặc trước mặt hàng xóm.

Con bé con đã lên năm, đi mẫu giáo rất ngoan, đến giờ đón con mà bố mẹ chưa về thì bác hàng xóm đón, thường là ăn cơm tối với các con của bác, nũng nịu với các anh chị, hỏi han, cười đùa như mọi đứa trẻ khỏe mạnh. Nhưng ở với bố mẹ những ngày nghỉ thì cả ngày con bé không nói, cười cũng không, mắt nhìn lấm lét như là sợ.

Lưu cũng biết vợ không còn yêu anh nữa. Anh khỏe mạnh, đẹp trai, đàn bà con gái đủ mọi lứa tuổi rất thích được nói chuyện với anh, chọc ghẹo anh và cũng rất muốn được anh nắm chân nắm tay chọc ghẹo lại. Anh chỉ thiếu có tiền thôi. Chả lẽ một thằng đàn ông thiếu tiền nằm cạnh vợ mà không còn gây được một xúc động nào ở người đàn bà, dẫu rằng họ không còn là tình nhân nữa? Vô lý! Nhưng là chuyện có thật. Họ vẫn nằm chung giường, con gái ngủ cái giường con kê liền cạnh, nhưng rất nhiều đêm họ không hề biết đến nhau.

Lưu luôn luôn về muộn, mệt mỏi và chán chường, không phải lúc nào cũng chán vợ, mà là chán cái nghề tìm người, đe người, bắt người. Tới đâu cũng chỉ vấp phải những cái mặt sợ hãi, dối trá, oán hận. Bất cứ lúc nào cũng có thể nhận một nhát dao đâm từ lưng hoặc một đầu gậy bổ xuống đầu. Cứ hẳn thế anh lại dễ ăn nói, dễ xử sự. Còn vợ thì sao? Từ mấy năm nay chị có một gương mặt rất lạ, không vui, không buồn, cũng không giận. Như mặt tượng. Vừa là vợ vừa là người lạ. Vừa là người thân nhất vừa là người có thể căm ghét anh nhất. Không có mũi dao nào ló ra nhưng đứng cạnh nhau là đau nhói, sau đó là rã rời như đã bị chảy máu từ bên trong. Anh phải xử sự như thế nào, phải nói năng ra sao? Anh không biết, anh lúng túng, vụng về, cau có và càng trở nên đáng ghét hơn.

Cũng có đêm Lưu rất muốn được yêu vợ. Anh nằm cạnh vợ, cười nịnh nọt và đưa tay khẽ vuốt ve một cánh tay của vợ. Chị hất tay anh ra như người ghê tởm, nói làu nhàu: “Ông ngủ đi, tôi mệt quá”. Có lần anh nhẫn nại, năn nỉ thì chị quay mặt về phía anh, một gương mặt trắng xanh dưới ánh đèn đường chiếu vào, nói dửng dưng: “Ông muốn làm gì thì làm nhanh lên!”. Anh thở dài, nằm lùi lại, nói nhỏ: “Em ngủ đi, anh cũng thấy mệt rồi”. Ai mà tin được một cặp vợ chồng đẹp đôi thế, nằm cạnh nhau cả năm mà không ai đụng chạm vào da thịt của ai.

Thời gian đầu chỉ có vợ chồng Lưu biết cái gia đình nhỏ bé của họ có nguy cơ tan vỡ nhưng bạn bè và họ hàng vẫn không hay biết gì. Thời gian sau, mọi người đều biết vợ Lưu có ngoại tình, biết rõ cả địa chỉ của người tình nhưng Lưu lại không hề biết. Có thể anh cũng lờ mờ biết nhưng anh không muốn tin vì người tình của vợ lại là ông trưởng phòng vật tư của công ty du lịch. Ông ta đã năm chục tuổi, xấu trai và thô lỗ, chỉ được cái khỏe mạnh và có rất lắm tiền. Người như thế làm sao quyến rũ nổi vợ anh. Vợ anh còn trẻ, vẫn đẹp và cũng có lắm tiền. Anh cũng còn rất trẻ, mới ngoài ba mươi, là một sĩ quan cảnh sát có triển vọng, đã được báo Hải Phòng nêu tên và đăng ảnh. Anh chỉ có một khuyết điểm nhỏ là không nghĩ ra được những cử chỉ âu yếm lặt vặt của mỗi ngày để chiều vợ, không luôn luôn có mặt bên cạnh vợ những lúc cô ấy cần. Và đã rất nhiều đêm anh nằm vật bên cạnh vợ như một khúc gỗ sau một ngày làm việc căng thẳng. Nhưng Lưu vẫn tin mối quan hệ bất chính kia nếu có thì cũng để trêu chọc anh thôi, cảnh cáo cho biết chứ chưa hẳn đã muốn dứt bỏ thật.

Cơ quan vật tư của công ty du lịch gần ngay khu nhà tập thể của công ty. Gia đình trưởng phòng vật tư ở Kiến An nên ông ta chỉ về nhà tối thứ bảy và ngày chủ nhật còn các ngày làm việc ông ta ăn ở ngay tại cơ quan. Các buổi trưa vợ Lưu cũng không về nhà, đi chợ nấu ăn tại nơi làm việc, cùng ăn với trưởng phòng và ngủ trưa tại phòng ông ta. Như một cặp vợ chồng. Không ai dám nói đã đành, người vợ ngoại tình cũng không thích giấu giếm nữa kể cả với ông chồng cảnh sát.

Cho tới một buổi trưa, Lưu đã bí mật leo ống máng như cách vây bắt một tội phạm hình sự, đột nhập từ cửa sổ khép hờ vào phòng riêng của trưởng phòng vật tư và bắt gặp vợ mình và người nhân tình lớn tuổi chỉ vừa kịp quơ chăn phủ lên người.

Họ đã đưa nhau ra tòa để ly hôn. Lưu thì xấu hổ và đau đớn nhưng vợ anh rất thản nhiên như đang thay mặt ai đó để làm cái việc nghiêm trọng ấy. Khi tòa hỏi, ai sẽ nuôi đứa con gái, theo luật thì đứa con duy nhất sẽ theo mẹ, trừ phi… Người đàn bà nói luôn: “Để bố cháu nuôi, lương tôi thấp không đủ khả năng nuôi cháu”. Nói rất tự nhiên, không đắn đo, nghĩ ngợi gì cả.

Vài tháng sau Lưu được tin cô vợ cũ đang ăn sáng thì bị bà vợ chính thức của người tình đưa đứa con trai lớn tới đánh ghen, mẹ thì chửi, con thì đánh. Một năm sau, tay trưởng phòng chuyển công tác đi nơi khác và bỏ luôn người đàn bà còn trẻ và đẹp đã vì hắn chịu mất hết những gì cô ta đã có từ mười năm nay. Rồi có tin cô đi cặp với một người khác, thanh niên mới lớn, kém cả chục tuổi. Lúc thì cô ta sống với người trẻ tuổi hơn, lúc thì với người bằng tuổi, có lúc lại chạy theo một ông già tóc đã muối tiêu, đạo mạo như một ông bố.

Chả hiểu ra sao cả, như một con điếm. Mà cô ấy vẫn có tiền.

Lưu gửi con về quê nhờ mẹ nuôi, làm việc vẫn hăng say nhưng cứ nghĩ tới đàn bà là đau nhói. Đàn bà thật khó hiểu, mãi mãi anh không thể hiểu. Theo cách đánh giá của anh họ đều tham tiền, ham vui và cạn nghĩ như nhau cả.

Sau cuộc chia tay với vợ, đưa con gái về quê gửi mẹ và các em, Lưu là người hoàn toàn tự do, như thời anh mới đi làm. Anh xin nghỉ hẳn hai ngày để ngủ. Anh ngủ từ sáng đến tối, ra phố ăn cơm bụi rồi lại về ngủ tiếp. Tới trưa ngày hôm sau anh dậy tắm rửa, cạo râu, xách xe chạy một vòng quanh thành phố rồi chui vào một quán cà phê tồi tàn gần bến xe Niệm Nghĩa ngồi cho đến tối. Chưa bao giờ Lưu mệt mỏi đến thế và buồn đến thế. Thất bại về gia đình là thất bại đau đớn nhất vì lòng kiêu hãnh của thằng đàn ông bị tổn thương đến tột cùng.

Cũng trong khoảng thời gian ấy Lưu còn phải chịu đựng thêm một thất bại khác là đơn vị anh sau nhiều tháng truy lùng vẫn không thể bắt được tên tội phạm thuộc loại đặc biệt nguy hiểm của thành phố. Tên nó là Tích, Tích híp, là sói độc, không thuộc một băng nhóm nào, không có lãnh địa riêng, gặp việc có lợi là làm, đã làm là chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Và luôn luôn giữ được sự bất ngờ. Đến vợ con nó cũng sống rất bí mật, khi ở Kiến An, khi ở Thủy Nguyên, có khi lại sống ngay giữa Hải Phòng, không ai biết mặt mũi thị, cũng không ai biết vỏ bọc của thị.

Sự thách thức ấy khiến mọi người phát điên lên. Trong đơn vị chỉ có hai người biết rõ mặt Tích híp, là đội trưởng Lưu và một chiến sĩ trinh sát. Nó có một gương mặt không có đặc điểm riêng, rất dễ trộn lẫn vào đám đông, ngoại trừ đôi mắt híp. Cách đây đã dăm năm, Tích híp còn làm thư ký đội bốc vác của một bến xe khách, đã vài lần Lưu đứng trò chuyện với nó, chuyện bâng quơ thôi, nhưng anh chợt gai người, cũng chỉ một thoáng, vì cái đảo mắt và cái cười không thành tiếng của nó. Vài tháng sau, nó biến mất, không để lại một dấu vết nào vì vẫn còn là một tên tuổi vô danh. Sau đó hai năm trong giới giang hồ bắt đầu thì thào cái tên Tích híp sau nhiều vụ làm ăn rất mạo hiểm: buôn thuốc phiện, buôn xe hơi, xe máy qua biên giới, buôn người. Rồi cũng vẫn là Tích híp đụng độ bằng dao bằng súng với công an Móng Cái, công an Cẩm Phả, công an thành phố Hạ Long.

Đội trưởng Lưu là người đa mưu, chân tay trong giới giang hồ cũng nhiều, xử trí nhanh, đã từng bày nhiều thế trận rất lắt léo để nhử con mồi nhưng Tích híp vẫn lọt qua hết sức ngoạn mục hoặc nhởn nhơ múa nhảy ở vòng ngoài. Một lần, qua hệ thống truyền tin rất công phu, Lưu biết được Tích đang náu thân tại nhà người bạn của ông anh nuôi cách Kiến An dăm cây số. Ông này vừa mở quán vừa chăn vịt. Quán nhà quê, bán bánh đúc riêu cua, chè xanh, rượu và lạc rang. Lưu và một chiến sĩ trinh sát vào quán uống rượu từ trưa đến ba giờ chiếu, rồi Lưu giả vờ đau bụng xin nằm nhờ gian trong của chủ quán. Vẫn không có ai ra vào hoặc thăm hỏi, không có dấu vết nào có người lạ trong nhà. Khoảng 4 giờ chiều Lưu hỏi lối đi đại tiện nhìn ra cánh đồng thấy một bóng người đội nón đang cất vó tép. Một cái lưng quen thuộc. Là nó chăng ? Lưu đứng ngắm nghía một lúc rồi xăm xăm bước lại, tới gần sau lưng người kia anh rút súng, quát to: “Tích híp, mày đã bị bắt!”.

Người kia quay lại, từ từ gỡ nón, một gương mặt lạ hoắc, râu quai nón, tóc muối tiêu, một bên mặt có vết nám to bằng nửa bàn tay bầm đỏ. Lưu lúng túng nhét lại súng vào bụng, tự giới thiệu là công an thành phố đi bắt cướp nhưng đã nhận lầm người. Người kia giương mắt nhìn không nói gì lại quay lưng nhấc tiếp các vó tép. Trên đường trở lại thành phố Lưu mới thoáng ngờ cái bộ râu quai nón của người cất vó tép. Rất ít người ở nông thôn để râu quai nón. Người buôn bán thì có, người đi cất vó tép thì không. Ông ta lại không nói, không hỏi thêm câu nào về cái chuyện bắt cướp, là ông nông dân lại không có tính tò mò sao? Một gương mặt muốn giấu đi, một giọng nói muốn giấu đi, thì là ai nhỉ? Là “nó” chứ còn ai nữa! Lúc này quay lại cũng quá muộn. Nó đã cao chạy xa bay từ lâu rồi. Nó biến mất nhưng ông chủ quán, kẻ đã chứa chấp nó nhiều ngày, nhất định vẫn còn đó. Từ đó…

Sáng hôm sau Lưu quay trở lại từ rất sớm. Ông chủ quán vẫn bán bánh đúc riêu cua cho đám thợ làm đường, nhìn thấy anh vẫn mời chào vồn vã. Nhưng Lưu không cười, anh bước vào kéo ghế ngồi rồi hỏi ngay: “Cái ông cất vó tép còn đây không?”. Người kia mặt không đổi sắc, hỏi lại rất tự nhiên: “Anh hỏi ông cất vó tép nào? Ông ta ở đâu ?” Lưu nói gằn giọng: “Nó ở đây, ở ngay cái nhà này, nó là tội phạm, ông hiểu chưa?”. Ông chủ quán quay sang hỏi đám thợ đang ăn: “Các chú có nhìn thấy ông cất vó tép nào lảng vảng quanh đây không?”.

Một người nói: “Vào trong làng mà hỏi, chứ ở đây làm sao biết”. Ông chủ quán nói thêm: “Xin lỗi anh, từ khi bán đi lứa vịt, tôi chỉ ngồi suốt ngày ở đây, không mấy khi bước chân ra đồng. Anh vào trong làng hỏi công an xã xem”. Lưu cười cay đắng, anh vẫn ngu quá, ngu như thế làm sao bắt được một kẻ rất ranh ma là Tích híp.

Sau ngày ly dị vợ được nửa năm, Lưu nhận được tin Tích híp đã trở lại Thủy Nguyên, lần này nghe nói có cả vợ con. Cuối cùng Lưu đã mò được ra hang ổ của nó ở một hẻm núi, cách làng chừng nửa cây số. Anh đi một mình, giả làm nhân viên thu mua thuốc nam của viện dược liệu. Anh đã nhìn thấy nó một lần đi cùng với vợ và đứa con trai khoảng 13-14 tuổi. Nó để râu quai nón, mang kính râm nhưng vẫn là cái dáng đi lòng khòng của thằng thư ký đội bốc vác năm nào. Rất may là nó chưa mập ra, chưa có bụng mặc dầu tuổi cũng đã ngoài bốn mươi rồi. Chỉ cần thêm dăm năm sống ngoài vòng pháp luật là nó có thể xóa hẳn hình bóng cái thằng Tích híp năm xưa để trở thành một kẻ chỉ có tên chứ không có con người thật.

Một buổi chiều, khoảng 5 giờ, Tích híp về nhà đã được nửa tiếng thì Lưu đạp cửa ngoài nhảy vào. Người vợ đang cầm siêu nước bước xuống bếp vội quẳng ấm nước ra sân rồi quay nhanh vào nhà trong. Lưu vẫn bám theo, một bóng người đang nằm trên giường nhảy xuống, cúi người lủi dọc vách tường vào sâu trong nữa. “Có cửa sau lên núi chắc?”. Lưu vừa kịp thoáng nghĩ, sải chân định bước vọt lên thì bị vấp ngã chúi xuống. Không phải vấp mà là bị con vợ Tích quì xuống ôm chặt lấy một chân của Lưu kéo lại. Lưu thúc thẳng bàn chân bị ôm vào chét ngực teo tóp của người đàn bà, một tay vơ lấy chiếc ghế đẩu ném mạnh vào lưng Tích đang loay hoay trước khuôn cửa gỗ ăn thông lên núi. Rồi anh rút súng nhắm vào Tích, hét to: “Tích, dừng lại, mày mở cửa là tao bắn!”.

Thằng Tích hình như cũng sợ quá, hắn không quay người lại, vẫn loay hoay với cái then cửa. Con vợ liền buông chân của Lưu nhảy chồm lên kéo cánh tay cầm súng về phía thị, dồn hết sức mạnh ghì chặt khẩu súng đạn đã lên nòng ép vào ngực thị, nếu súng nổ thì thị sẽ được chết thay chồng, chồng thị sẽ có cơ hội chạy thoát vì sự lúng túng của kẻ bắt giữ. Cánh cửa phía hông nhà đã mở, Tích lao vào khoảng trống có rất nhiều bụi cây dại ở sườn núi mặc cho Lưu hò hét, chửi rủa cả vợ lẫn chồng. Mấy phút sau vợ Tích mới buông tay, nhìn kẻ thù với ánh mắt mừng rỡ và biết ơn: “Chúng em biết anh đã thương nên không nỡ bắn chết cả hai vợ chồng. Xin anh yên tâm, nhà em đã muốn ra đầu thú lâu rồi nhưng còn đang sợ”.

Lưu buông người xuống ghế, giắt súng vào bụng, nhìn chằm chằm người đàn bà bé nhỏ, ốm yếu vừa giận vừa phục. Chị ta lấy đâu ra cái sức mạnh đến kinh ngạc ấy nhỉ? Một cái thúc của anh vào ngực đến thằng thanh niên cũng phải há miệng buông tay, huống hồ…

Có tiếng gọi của đứa con trai ở phía ngoài, mẹ nó búi vội cuộn tóc vừa bị xổ, nói ra giọng rất nhẹ nhàng:

– Nhà có khách, vào chào chú đi con!

Một thằng bé cao lớn, rất khôi ngô, cầm cặp sách bước vào:

– Thưa chú, thưa mẹ con đi học về.

Mẹ nó quay sang nhìn Lưu, nói to cho cả con nghe:

– Mời chú ở lại ăn cơm với mẹ con tôi, rồi chờ anh ấy về luôn thể.

Lưu biết ý tứ của người mẹ trước con cái, anh mỉm cười, nói theo:

– Xin chị cho bữa khác. Nhờ chị nói lại với anh, nếu anh tới gặp tôi sớm thì mọi chuyện sẽ không xấu lắm đâu.

Vợ Tích với con trai tiễn Lưu ra cổng. Có mấy bà hàng xóm đứng ở đường chào Lưu rồi hỏi vợ Tích:

– Vừa rồi nghe ầm ầm như có đánh nhau to ở đâu thì phải?

Vợ Tích liếc nhìn Lưu rồi trả lời thản nhiên:

– Tôi mải nói chuyện với chú cháu từ thành phố sang chơi nên chả nghe thấy gì.

Rồi chị ta lại giục con: “Con chào chú đi” và nói với Lưu: “Xin mời chú lại nhà. Chỉ vài bữa nữa nhà tôi sẽ xin sang gặp chú ngay, mong chú giúp cho”.

Lời nói dịu dàng, cung cách con nhà gia giáo mà chịu làm vợ một thằng tướng cướp ư? Vợ con như thế, trời đãi đến thế mà không chịu làm người đàng hoàng thật là uổng quá, là một thằng đàn ông ngu quá. Cũng như đã có những con đàn bà hết sức ngu…

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận