Mọi cánh cửa để Huawei kinh doanh smartphone trên thị trường quốc tế đã khép lại hoàn toàn!
Trong một bước đi có thể coi là đỉnh điểm mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc, tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho các công ty Mỹ buộc phải ngừng hợp tác với Huawei – nhà sản xuất smartphone số 1 Trung Quốc. Lần lượt các công ty lớn của Mỹ tuyên bố ngừng mọi hoạt động có liên hệ với Huawei (trừ các hoạt động hỗ trợ khách hàng hiện tại): Broadcom, Qualcomm, Microsoft, Lumentum….
Dĩ nhiên, cái tên gây ra đau đớn nhất cho Huawei là Google. Bị gã khổng lồ tìm kiếm ngưng hợp tác cũng có nghĩa rằng ông lớn Trung Hoa sẽ phải tạo ra phiên bản Android của riêng mình để kinh doanh trên thị trường quốc tế. Không chỉ buộc phải tạo ra một bản Android riêng từ “bãi rác” AOSP, Huawei còn phải đưa ra các lựa chọn thay thế cho các ứng dụng Google trên Android như Gmail, YouTube, Drive, Docs…
Từ nay, Huawei ra quốc tế phải dùng Android tự xây dựng.
Mặc dù vô cùng khó khăn, về mặt lý thuyết, Huawei vẫn có thể dốc toàn lực để tạo ra đối thủ thực thụ cho Google. Xét cho cùng, smartphone bán tại Trung Quốc (tức là một nửa smartphone Huawei bán ra) vẫn sử dụng Android riêng của Huawei, được hãng này phát triển từ nhân AOSP. Nếu đem phiên bản đó ra toàn cầu, Huawei chỉ cần cạnh tranh với… Google mà thôi.
Dập tắt toàn bộ hy vọng
Nhưng đáng buồn là đến ngày hôm nay thì ngay cả chút hy vọng le lói trong hai chữ “lý thuyết” cũng đã bị cắt đứt. Theo nhiều nguồn tin, lãnh đạo Tập đoàn ARM đã đưa ra lệnh yêu cầu nhân viên phải ngay lập tức ngưng toàn bộ liên hệ với Huawei. Thông báo chính thức của công ty này cho biết “ARM đang tuân theo tất cả các quy định được chính phủ Mỹ đưa ra”.
Tất cả những người có hiểu biết về vai trò của ARM đều sẽ hiểu rằng, đây là dấu chấm hết của Huawei trên trường quốc tế. Tuy không trực tiếp sản xuất hay thiết kế ra những con chip sử dụng trên di động, kiến trúc ARM là cơ sở để tạo ra Apple A, Snapdragon của Qualcomm, Exynos của Samsung, Helios của MediaTek… Dĩ nhiên, Kirin của Huawei (hay đúng hơn là của HiSilicon, nhánh bán dẫn của Huawei) cũng được phát triển từ kiến trúc ARM.
100% smartphone (và phần lớn tablet, loa thông minh, thiết bị IoT…) đều sử dụng chip ARM.
Trên con chip Kirin 980 được Huawei sử dụng cho Mate 20 Pro và P30 Pro, HiSilicon đã dùng ít nhất là 3 thiết kế tiêu chuẩn của ARM: nhân Cortex-A55, nhân Cortex-A76 và GPU Mali-G76. Kể cả trong trường hợp Huawei/HiSilicon tự tùy biến các nhân và GPU giống như những gì Qualcomm đã/đang làm, việc mua bản quyền kiến trúc từ ARM vẫn là không thể tránh khỏi.
Có thể nói không sai rằng, 100% thiết bị trên thị trường smartphone hiện tại có sử dụng đến tài sản trí tuệ của ARM.
Chặt chân ra thế giới
Không còn quyền hợp tác với ARM, Huawei sẽ phải sử dụng một kiến trúc chip hoàn toàn khác trên những chiếc smartphone sẽ bán ra tại châu Âu, Mỹ Latin, Ấn Độ hay Việt Nam. Ngay cả điều này có thể đã là bất khả thi, bởi lịch sử ngành bán dẫn chồng chéo rất nhiều các bằng sáng chế từ nhiều hãng.
Huawei không chỉ bị cấm kinh doanh với ARM mà còn cả với Intel hay bất kỳ một công ty Mỹ nào khác: tự phát triển một con chip không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của tất cả các hãng này sẽ khiến Huawei mất hàng chục tỷ USD.
Muốn bán tại châu Âu hay Ấn Độ, Huawei phải tự thiết kế lại con chip của mình từ đầu!
Suốt hàng chục năm qua, thiết kế và gia công chip đã luôn là một cuộc chơi khốc liệt: cho dù có chuỗi cung ứng Trung Quốc đứng sau, Huawei cũng khó lòng tự tái hiện lại hàng chục năm lịch sử ấy. Mà, chắc chắn các nước sẽ không cho phép Huawei được thoải mái vi phạm bằng sáng chế của ARM, Qualcomm hay Intel.
Thậm chí, cứ cho rằng Huawei tiếp tục ngang nhiên sử dụng các tài sản trí tuệ đã được tiếp cận từ trước tới nay, hãng này sẽ không được quyền tiếp cận với các thiết kế/công nghệ mới của ARM. Tất cả các hãng khác vẫn được giữ quyền ấy. Khoảng cách sẽ ngày một nới xa.
Về mặt lý thuyết, Huawei có thể bắt kịp. Trong thực tế, Huawei thực sự nên từ bỏ thị trường smartphone.
Cafef