Các loại bệnh thường gặp do thiếu vitamin D

0
2365

Thiếu vitamin D có nguy cơ mắc nhiều bệnh hơn người ta tưởng, bởi đây là một loại vitamin quan trọng, đóng vai trò bảo đảm các hoạt động cốt lõi của cơ thể con người.

-Quảng Cáo-

Trong một cuộc khảo sát được tiến hành tại Anh cho thấy hơn một nửa số người lớn ở Anh không có đủ vitamin D, nhất là trong mùa đông và mùa xuân, cứ 6 người có một người thiếu hụt vitamin D ở mức độ nghiêm trọng. Nhiều người cho rằng đây là loại vitamin không quan trọng, nhưng thiếu hụt nó lại gây ra rất nhiều căn bệnh phổ biển ở người.

Vitamin D là gì?

Vitamin D rất quan trọng đối với cơ thể con người, nó đóng vai trò chính trong việc bảo đảm hoạt động của cơ bắp, tim, phổi và chức năng hoạt động của não. Không giống các loại vitamin khác, vitamin D rất đặc biệt bởi con người có thể tự tổng hợp được loại vitamin này nhờ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Bạn cũng có thể nhận được vitamin D từ thuốc bổ, và một số lượng rất nhỏ từ một vài loại thực phẩm như một số loài cá, dầu gan cá, lòng đỏ trứng, ngũ cốc và các sản phẩm ngũ cốc…

Nên dành thời gian tắm nắng bao lâu để có đủ vitamin D?

Để tìm ra một con số thống nhất cho mọi người là rất khó bởi cơ thể mỗi người khác nhau với nhu cầu, môi trường sống, các mùa trong năm đều không giống nhau. Để có đủ lượng vitamin D mỗi người cần căn cứ vào độ nhạy của làn da, độ dày mỏng tầng ozone nơi bạn sinh sống, các mùa trong năm, hay thời gian nào phơi nắng tốt nhất….

Các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng thời gian hiệu quả nhất để cơ thể “sản xuất” ra vitamin D từ 11 giờ – 15 giờ.

Nói chung, các chuyên gia y tế đều cho rằng, tiếp xúc hàng ngày với ánh nắng trong khoảng thời gian ngắn từ 10-15 phút vào mùa hè là đủ lượng vitamin D cho mỗi người. Cần lưu ý rằng khi tắm nắng, không cần thoa kem chống nắng bởi kem chống nắng ức chế sản xuất vitamin D. 

Thiếu vitamin D có nhiều nguyên nhân

Một số người thường xuất hiện tình trạng thiếu vitamin D do sống ở các vùng vĩ độ phía Bắc, thường mặc quần áo dài, hoặc làm các công việc không phải ra ngoài. Những người có làn da sẫm màu (da đen) có mức độ melanin, sắc tố da, làm giảm khả năng tạo vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Những người mắc các bệnh về thận, gan, khả năng chuyển đổi vitamin D cũng hạn chế dẫn đến thiếu vitamin thiết yếu này. 

Đối với những người mắc các vấn đề về tiêu hóa như bệnh viêm ruột mạn tính, xơ nang, không hấp thu được gluten, ruột sẽ giảm khả năng hấp thụ vitamin D từ thực phẩm.

Béo phì cũng làm cho cơ thể thiếu vitamin D. Nghiên cứu cho thấy vitamin D thường bị kẹt trong mô mỡ nên làm cho cơ thể trở thiếu loại vitamin này.

Nếu thiếu vitamin D, bạn có thể mắc phải một trong 12 căn bệnh dưới đây:

1. Loãng xương: Có đủ lượng canxi và vitamin D cực kỳ quan trọng trong việc duy trì mật độ xương. Thiếu vitamin D khiến cho lượng canxi cạn kiệt, làm suy yếu xương và tăng nguy cơ gãy xương.

2. Bệnh hen suyễn: Thiếu vitamin D sẽ ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của phổi và làm cho bệnh hen suyễn tồi tệ hơn, đặc biệt là ở trẻ em. Vitamin D có thể cải thiện bệnh hen suyễn bằng cách ngăn chặn các protein gây viêm trong phổi, cũng như gia tăng sản xuất một loại protein có tác dụng chống viêm.

3. Bệnh tim mạch: Khi cơ thể thiếu vitamin D có thể dẫn tới bệnh cao huyết áp, tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.

4. Gây viêm: Chính là một phản ứng của hệ miễn dịch nếu nó không được cung cấp vitamin D, trong đó bao gồm các dạng như viêm khớp dạng thấp, lupus, bệnh viêm ruột (IBD) và bệnh tiểu đường loại 1.

5. Tăng Cholesterol: Vitamin D có tác dụng điều chỉnh nồng độ cholesterol trong máu. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, nếu không có ánh nắng mặt trời đầy đủ, tiền chất của vitamin D sẽ chuyển thành cholesterol thay vì vitamin D.

6. Dị ứng: Trẻ em không được cung cấp đầy đủ vitamin D có nhiều khả năng có bị dị ứng thực phẩm.

7. Cúm: Một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa thiếu vitamin D và bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, những người có nồng độ vitamin D thấp thường dễ bị cảm lạnh và cúm hơn những người có nồng độ vitamin D cao trong cơ thể.

8. Trầm cảm: Thụ thể vitamin D có mặt trên nhiều khu vực của não và tham gia vào các quá trình hoạt động của não bộ, nên việc bổ sung vitamin D đóng vai trò quan trọng trong điều trị trầm cảm.

9. Bệnh tiểu đường Type-2 : Các nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh mối tương quan giữa nồng độ vitamin D thấp và sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2. Có bằng chứng cho thấy vitamin D giúp cải thiện chức năng tế bào beta tiết insulin do đó nâng cao – và hạn chế glucose huyết thanh ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh. Muốn không mắc bệnh tiểu đường type 2 hãy bổ sung vitamin D.

10. Sức khỏe răng miệng : Một số báo cáo gần đây cho thấy một liên hệ giữa sức khỏe răng miệng và uống vitamin D. Những người có mức vitamin D thấp có tỷ lệ mất răng nhiều hơn những người có mức vitamin D cao.

11. Viêm khớp dạng thấp: Thiếu vitamin D làm cho phát triển các bệnh như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp . Những thực nghiệm trên những người tình nguyện đã cho thấy rằng những phụ nữ nhận được nhiều vitamin D dường như ít có khả năng bị viêm khớp dạng thấp.

12. Ung thư : Sự thiếu hụt vitamin D có thể liên quan đến bệnh ung thư: một nghiên cứu đã chỉ ra rằng hơn 75% những người bị nhiều loại bệnh ung thư khác nhau có nồng độ vitamin D thấp, và mức thấp nhất xuất hiện ở những bệnh nhân ung thư đang trong thời kỳ phát triển mạnh. Tuy nhiên nghiên cứu này vẫn cần phải được tiếp tục bởi chưa có bằng chứng về việc liệu hàm lượng vitamin D cao có giảm được nguy cơ ung thư hay tử vong do ung thư hay không.

Phải làm gì khi thiếu vitamin D?

Một xét nghiệm máu đơn giản có thể xác định có hay không có tình trạng thiếu vitamin D. Bác sĩ có thể tư vấn cho bạn nếu bạn cần phải bổ sung vitamin D. Cần phải biết rằng không có sự đồng nhất về mức độ vitamin D cho  mỗi người bởi hàm lượng vitamin D còn phụ thuộc vào điều kiện sức khỏe, tuổi tác.

Suckhoedoisong

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận