Sau khi quân Nhật thua trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều lính Nhật đã ở lại Việt Nam và cùng tham gia kháng chiến chống Pháp với người Việt.
Trong tổng số lính Nhật ở lại khoảng 800 người, những người tham gia kháng chiến chống Pháp được gọi là “người Việt Nam mới”. Tại Đông Nam Á, hiện tượng nhiều lính Nhật ở lại như thế chỉ xảy ra ở Indonesia và Việt Nam mà thôi.
Cục quân huấn Bộ tổng tham mưu – trong ảnh có bốn “người VN mới”, trong đó có ông Kamo Tokuji -Ảnh tư liệu
Là một phóng viên ban tiếng Việt của Đài NHK, tôi đã nhiều năm thực hiện các chương trình radio phát cho thính giả VN. Trong thời gian này, lần đầu tiên tôi để ý đến đề tài “người VN mới” là qua các thư từ thính giả VN gửi đến Đài NHK nhờ tìm chồng hay cha đã từng là lính Nhật.
Tuy nhiên lúc đó chưa nhận thức đầy đủ chuyện này, tôi chỉ liên hệ với một số người hữu quan tại Nhật, nhưng họ góp ý là chuyện tế nhị, phải cẩn thận. Tôi vẫn nhớ trong những bức thư từ các thính giả, có một cựu học viên VN ở Quảng Ngãi đã viết về ơn nghĩa sâu nặng đối với người thầy là lính Nhật từng dạy kỹ thuật quân sự cho ông ta. Đọc thư này tôi quan tâm đến bối cảnh sự kiện đó, nhưng vì công việc hằng ngày tôi cũng dần dần quên đi mất.
Rồi tôi có cơ hội tiếp xúc với một người VN mới khi thực hiện chương trình radio. Đó là chủ tịch Hội Mậu dịch Việt – Nhật, một nhà doanh nghiệp có cửa hàng bán thuốc tại địa phương, một bác sĩ làm việc tại một công ty khoáng sản ở miền núi…
Qua những lần tiếp xúc như thế, tôi bắt đầu nghĩ khi nào có điều kiện sẽ tìm hiểu chi tiết toàn bộ câu chuyện về người VN mới. Cơ hội này đã đến vào năm 2003, nhân kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập quan hệ ngoại giao Việt – Nhật. Lúc đó tôi thực hiện một chương trình radio về đề tài người VN mới và tranh thủ gặp gỡ các nhân chứng sống tại cả Nhật lẫn VN.
Cô giáo Lê Thị Hiếu và chồng của cô là một người VN mới – Ảnh: Kato Nord Cô giáo dạy đàm thoại tiếng Việt cho chúng tôi lúc tôi còn sinh viên năm 1 khoa tiếng Việt Trường ĐH Ngoại ngữ Tokyo chính là một phụ nữ VN đã sang Nhật cùng với chồng là một người VN mới. Trong ký ức của tôi, cô vui tính và thẳng thắn, SV nào phát âm dở, cô ấy nói thẳng ngay, chẳng hạn như: “Ồ, sao em nói kém quá nhỉ”. Nhưng không hiểu sao đối với tôi, cô “nuông chiều” và động viên một cách đặc biệt. Sự khích lệ đó là một trong những lý do chính khiến tôi mê học tiếng Việt trong giai đoạn khởi đầu. Thời đó, công việc dạy tiếng Việt tại Nhật có sự đóng góp rất lớn của người VN mới. Ngoài việc dạy ở các trường ngoại ngữ, họ còn biên soạn từ điển, tài liệu học hay dịch các quyển sách tiếng Việt sang tiếng Nhật… |
Câu chuyện của một nhà sử học: “Năm 1945, khi tôi mới học cấp I, bé lắm, tôi được tiếp xúc với hai người Nhật. Một ông tên Trung Bắc, là đại tá quân y; một ông tên Trung Nam thì cấp đâu đại úy thôi, nhưng mà hai người đó đã trở sang hàng ngũ Việt Minh và trở thành người VN mới, ăn mặc như bộ đội quốc phòng của chúng tôi.
Ngoài các giờ tập võ, tập đẩy đao, tập các thứ thì ông Trung Bắc mang thuốc đi chữa bệnh và tìm cho người VN những cây thuốc bắc, thuốc nam ở trong vườn để cứu chữa rất nhiều người. Ấn tượng đó đối với tôi là y như người VN vậy…”.
Ông Trương Thâu, một nhà sử học, thường kể lại những điều về lính Nhật mà ông đã trông thấy tận mắt ngày ông còn bé. Khi trở thành một nhà nghiên cứu lịch sử, ông Trương Thâu đã chọn đề tài nghiên cứu về quan hệ giao lưu Việt – Nhật như về Phan Bội Châu. Ông cho biết trong kỷ niệm ngày nhỏ, ông nhớ mãi từ ngữ “người VN mới” được dùng để gọi những cựu quân nhân Nhật đã ở lại VN và kỷ niệm ấy luôn luôn còn như rất mới mẻ trong lòng ông.
Như ông Trương Thâu đã chứng kiến ngày bé, sau Thế chiến thứ hai, có những quân nhân Nhật Bản đã không trở về nước mà họ ở lại VN. Đa số họ đã cùng với phong trào Việt Minh vừa giành độc lập, tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp của người VN. Tại các nước khác ở châu Á cũng vậy, có nhiều trường hợp cựu quân nhân Nhật đã ở lại các nước này, cùng chung sống và sinh hoạt với người bản xứ, nhưng chưa ở đâu có đông lính Nhật như ở VN.
Và những người lính Nhật ở lại…
Ở lại VN, ông Miazaki Isao tham gia chiến đấu trong khoảng một năm, bị thương nặng vì một viên đạn xuyên qua bụng, sau đó ông làm công việc của một dược sĩ. Ông kể: “Hễ nhớ lại những gian khổ đã trải qua ở VN thì khó khăn đến đâu rồi cũng vượt qua được. Khác với lúc trong quân đội Nhật khi tôi còn ở Việt Minh thì lực lượng hai bên giữa quân Pháp và Việt Minh chênh lệch nhau rất xa.
Chúng tôi không ở đâu yên được, hễ bị quân Pháp tấn công là phải đeo balô leo lên xe để chạy cho nhanh. Tôi lại là người nước ngoài nên không có anh em, không quen biết, khi hoạn nạn chẳng biết nhờ cậy ai, tiếng tăm thì không biết, tiền bạc cũng không.
Sống ở một nơi mà mình chẳng có một thứ gì như vậy không phải là dễ. Sống trong tình cảnh như thế rất cần sức mạnh, không chỉ là sức mạnh thể lực mà còn cần cả sức mạnh của tinh thần, mà điều đó có thể nói là chẳng phải chỉ riêng tôi, những người VN quanh tôi bấy giờ cũng đều như vậy”.
Còn ông Kamo Tokuji hồi tưởng thời đó và cho biết lý do ông đã ở lại VN: “Nói đúng ra thì hồi đó tôi không muốn nhìn thấy một nước Nhật bị quân đội Mỹ chiếm đóng, đó mới là thực tâm của tôi. Trong thời chiến tôi đã nhìn thấy lính Nhật làm nhiều điều nhũng nhiễu dân chúng các nơi, và bản thân tôi thú thật cũng đã từng làm như vậy, cho nên bây giờ tôi không thể chịu nổi khi nghĩ rằng sẽ phải trông thấy lính Mỹ chiếm đóng và hoành hành trên quê hương mình.
Thế còn tại sao tôi lại ở lại VN, nói thật ra cũng chẳng phải vì tôi muốn tham gia cách mạng, tôi nhập ngũ rồi được đưa sang VN, chứ tôi không biết gì về VN cả. Thế nhưng, khi chứng kiến cảnh người VN vui mừng giành lại được độc lập và ngày nào họ cũng đi biểu tình đến nửa đêm, trong lòng tôi cũng cảm thấy có những tình cảm tương tự như họ. Có lẽ vì nghĩ như vậy nên dần dần tôi có ý nghĩ rằng nếu không trở về Nhật nữa thì ta ở lại VN cho đến khi gửi nắm xương tàn ở đây cũng được”.
Trong số những cựu quân nhân ở lại VN có những người như ông Kamo (tên tiếng Việt là Phan Huệ), không muốn trở về đất nước Nhật đã bị quân đội Mỹ chiếm đóng. Cũng có người sợ khi trở về sẽ bị xử vì tội chiến tranh, cũng có người được rủ vào Việt Minh, hay có người yêu là người VN.
Tóm lại có nhiều nguyên do khác nhau khiến họ ở lại, nhưng dù cho vì nguyên do gì, một sự thật hiển nhiên là họ đều đã đóng góp dưới nhiều hình thức khác nhau cho một VN vừa mới giành được độc lập, mà trong đó vai trò lớn nhất của họ là đã giúp quân đội Việt Minh trong buổi đầu thành lập.
Hoang mang và mất hết lẽ sống sau bại trận, 800 người lính Nhật ở lại VN. Nhiều người trong số họ đã tìm thấy lẽ sống mới khi cùng với người Việt đứng chung một chiến hào…
Tuổi Trẻ – KATO NORIO (trưởng ban tiếng Việt Đài NHK)