Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22 Trang 23 Trang 24 Trang 25 Trang 26Kế tiếp
CHƯƠNG 7
Tám Bính ra khỏi nhà mụ Tài-sế-cấu đã được một tuần lễ. Được thuốc thang và ăn uống tẩm bổ. Bính tưởng chừng bệnh tình mỗi ngày một bớt đi. Nhưng quái lạ, Bính càng ngày càng gầy yếu và mệt mỏi, tuy tâm trí tỉnh táo hơn trước nhiều. Thì ra sự vui sướng chỉ có thể chữa cho tinh thần Bính khỏi buồn rầu, đau đớn thôi, còn cái thân thể rã rời kia đã bao nhiêu đêm liên miên dùng làm “đồ chơi” cho mọi hạng người, còn cần phải tĩnh dưỡng và chữa thuốc lâu nữa mới mong lành mạnh được.
Năm Sài Gòn băn khoăn lắm. Năm biết vợ thế nên không để vợ mó tay vào việc gì. Hai bữa cơm, Năm trông nom rất tươm tất. Năm thuê hẳn một người vú già để còn chăm Bính khi Năm đi vắng. Bính mừng thầm gặp được một người chồng chẳng đẹp mắt nào, nhưng biết thương yêu vợ thế là quý.
Một buổi trưa mùa xuân, mưa phùn rào tạt vào búi găng quây lấy góc vườn. Bính hơi nghển cổ cũng trông thấy rõ cả một cảnh vật ướt át trong mưa bụi. Cách dậu găng độ vài bước, một khu vườn nhỏ cỏ mọc đầy, lao xao mỗi lần gió thổi giật trên mặt cỏ xanh um vài đống rác nổi ụn lên. Quanh đó, mấy con gà giò tranh nhau bới. Có con cố gắng nhảy lên phía trên nhưng vì đuối sức ngã nhào đi, nằm tênh hênh, lộ hẳn hai bên lườn vàng nẫn thịt.
Chợt nghĩ đến một đêm khuya đón khách vừa đói vừa mệt cách đây chừng hai tháng, Hai Liên đem ở cao lâu về cho mình một bát cháo gà nóng, mà Bính ăn chưa bao giờ thấy ngon đến như thế, Bính lên tiếng gọi người vú già.
Một người đàn bà thấp bé, quần áo lôi thôi ở dưới bếp chạy lên:
– Cô gọi gì con?
– U có biết nấu cháo gà không? Biết, nhà có con gà mới mua đấy, u đun nước làm thịt nấu cho tôi bát cháo.
Người vú già đờ mắt ra, rồi như tìm thấy một điều gì quan trọng, vú thấp giọng nói:
– Thưa cô, cô không ăn được.
– Tại sao?
– Cụ lang dặn phải kiêng ạ!
Bính gắt:
– U biết tôi ốm thế nào mà bảo cụ lang bắt tôi phải kiêng?
Vú già lặng ngắt, cố tìm một tiếng thanh thú để chỉ cái bệnh của Bính đương ở thời kỳ nặng nhất, nhưng nghĩ mãi không ra. Vú ấp úng:
– Bệnh bệnh… tôi chỉ biết cụ lang bảo cô phải kiêng thôi…
Bính toan gắt lên hỏi thì vẻ mặt lo lắng một cách khờ khạo của người vú già làm Bính nhận ra ngay cái ý rụt rè kia. Bính thở dài, rồi run run bảo vú xuống bếp sắc thuốc. Chờ vú đi khỏi, Bính cúi mặt xuống gối khóc nức nở.
Cái bệnh tàn hại mà thằng trẻ tuổi khốn nạn đổ cho Bính tưởng đã dứt nọc ngay sau hai tháng Bính nằm chữa ở nhà thương, ngờ đâu vẫn còn dây dưa đến tận bây giờ! Nó làm Bính biết bao ê chề đau đớn. Bính muốn gượng dậy để đi đi lại lại cho khuây khỏa, song cửa mình vẫn còn sưng lên, hai ống chân mỏi nhừ vì xương đầu gối như sắp bong ra. Đến bữa Bính trông thức ăn ngon lành rõ muốn ăn nhưng khi vừa nhai khỏi miệng, hơi chua lợ đã đưa ngay lên đầy cổ, nôn không được. Chắc bệnh Bính càng ngày càng nặng lắm.
Bính đau xót, chán nản… Bính lại thương nhớ đến con thơ. Và nghĩ đến Hai Liên tuyệt vọng vì không thể sinh nở được nên đành ở cho đến ngày trọn đời nơi nhơ nhớp, Bính lại càng tê tái vì nỗi mẹ con phải lìa bỏ nhau mà Bính thấy dù sao cảnh Bính bệnh tật khổ não ghê khiếp thế nào cũng không thấm với cảnh đen tối mênh mông của một người đàn bà không thể nào có cái hạnh phúc được làm mẹ.
Vì, dù nghèo khổ đến như bác Gái bờ đê ở làng Bính mà có đứa con để ôm ấp, bế ẵm thì nỗi trơ trọi cơ cực sẽ bớt đi nhiều. Suốt ngày mò cua bắt ốc, làm thuê cấy mướn đầu tắt mặt tối, rồi về chui rúc dưới một túp lều giữa cánh đồng, bác Gái bờ đê không bao giờ lộ vẻ buồn rầu trên gương mặt đen xạm. Như người khác cùng tuổi hai ba, hai bốn ấy mà gặp phải cảnh góa bụa, sống lần hồi, đói rét họ đã kêu ca, oán trách số phận, nhưng đây bác Gái bờ đê vui vẻ như thường. Cứ trông khi bác ta giơ đứa con nhỏ lên quá đầu, rồi ôm ghì nó vào ngực, rồi hôn hít nó, rồi cắn véo và mắng yêu nó, thì Bính thấy trên đời như chỉ có mình hai mẹ con bác ta. Giờ Bính cũng chỉ ao ước được như bác Gái thôi, và trên đời này cũng chỉ cái hạnh phúc ấy là có thể xóa hẳn những kỷ niệm tàn bạo mà “tham” Chung, thằng trẻ tuổi, con mụ đàn bà đanh đá, sở Cẩm, nhà Lục xì, mụ Tài-sế-cấu, những ngày đằng đẵng rã rượi ngủ không ngủ được, đêm đến, hôm đắt cũng như ế, cứ phải thức đến hai ba giờ để tiếp khách… bao nhiêu xót xa ê chề đã khắc từng ly từng li trong trí nhớ Bính. Tất cả những ngày tối tăm kia sẽ mất hết dấu vết trước sự sáng láng tốt tươi của một cảnh đời mẹ con sum họp vui vẻ.
Một luồng gió lạnh tung chiếc màn che cửa ùa vào nhà. Bính rùng mình, lờ đờ nhìn khu vườn một giờ một mờ mịt trong những lớp mưa xám ngắt. Bính vẫn không sao quên được bệnh tình trầm trọng và cái chết như đang lảng vảng ở đâu đây.
Năm Sài Gòn bỗng đẩy cánh cửa bước vào. Năm vội đến bên giường Bính:
– Thế nào, người mình đã dễ chịu nhiều chưa?
Bính lắc đầu:
– Em vẫn mệt lắm!
Năm chau mày:
– Sao lại thế? Ông lang bốc thuốc thế nào?
– Có lẽ em chết mất.
Năm gạt ngay đi:
– Mình chỉ nghĩ vẩn vơ thôi! Thế nào rồi cũng phải khỏi. Thứ thuốc nào hay mà đắt bao nhiêu anh cũng mua cho, hoặc có ông lang nào giỏi mà xa đến đâu anh cũng mời. Mình cứ vững lòng ở anh.
Bính âu yếm nhìn Năm lúc lâu vừa nắm lấy tay Năm. Sau đó Bính giục Năm ăn cơm kẻo muộn.
Vú già bưng mâm lên, đặt ở giữa giường. Năm Sài Gòn liền đỡ Bính ngồi dựa lưng vào chiếc chăn bông để sát mặt tường.
Năm xới cơm cho Bính trước, đoạn chỉ từng đĩa thức ăn:
– Đây là thịt nạc làm ruốc, đây giò lụa chả thìa của hàng bác Cao trên chợ Sắt, đĩa xá xíu này là xá xíu anh mới mua ở hiệu Mỹ Hương phố hàng Cháo về. Canh thịt thì nhà nấu với hoa hiên.
Năm chan canh cho Bính xong liền húp hai thìa gật đầu:
– Ngọt quá! U già đã ở cho khách cao lâu có khác! Kìa mình ăn đi, có chịu ăn mới chóng khỏe chứ!
Năm gắp cho Bính từng miếng một, khoanh giò, miếng thịt nào trước khi bỏ vào bát Bính, Năm cũng giơ lên xem. Còn Bính bát cơm xẻ đi xẻ lại mãi mà không hết. Nhà cơm nước xong, một ông lang đi xe đến. Năm thân ra mở cửa và đón ông vào tận giường Bính.
Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22 Trang 23 Trang 24 Trang 25 Trang 26Kế tiếp