Bị nhóm lừa đảo thao túng tâm lý, bà T.T.C làm theo mở 2 tài khoản ngân hàng, huy động người thân gửi vào tổng cộng 26,5 tỷ đồng. Chỉ sau 3 ngày, số tiền trên bị chuyển đi sạch.
Thời gian qua, cơ quan công an các địa phương liên tục cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, các đối tượng thường mạo danh cán bộ công an thông báo có liên quan đến mua bán trái phép chất ma túy và rửa tiền. Đối tượng yêu cầu nạn nhân kê khai tài sản để chứng minh mình không liên quan đến vụ án, sau đó lừa chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Đây là chiêu lừa không mới, nhưng vẫn còn có nhiều người sập bẫy của các đối tượng.
Điển hình, một vụ lừa đảo số tiền cực lớn với thủ đoạn như trên từng xảy ra vào tháng 4/2022, với nạn nhân là bà T.T.C ở thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Vì thiếu cảnh giác và bị các đối tượng lừa đảo trên mạng uy hiếp tinh thần, bà T.T.C làm theo mở 2 tài khoản ở 2 ngân hàng khác nhau trên địa bàn thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, rồi vay mượn, huy động người thân gửi vào tổng cộng 26,5 tỷ đồng. Chỉ 3 ngày sau số tiền trên bị rút hết sạch.
Rơi vào kịch bản thao túng của tội phạm công nghệ cao
Vụ việc như trên xảy ra vào tháng 4/2022 nhưng đ18ến nay bà T.T.C ở thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh chủ tài khoản trong vụ việc nêu trên vẫn chưa hết “sốc”, hoang mang và loay hoay cầu cứu các cơ quan chức năng truy tìm số tài sản của mình.
Theo chia sẻ trong đơn thư gửi tới các cơ quan chức năng và truyền thông, ngày 22/4/2022, bà T.T.C đang ở Bắc Ninh thì nhận được một cuộc gọi từ người giọng nữ tự xưng là thanh tra giao thông tại Đà Nẵng cáo buộc bà gây tai nạn giao thông chết người và yêu cầu đến trình diện. Nhớ lại mình từng bị mất CMND, bà C. trao đổi với người trong điện thoại đó không phải là mình. Sau đó bà được người này hướng dẫn kết nối đến một người khác tên Hải để xử lý. Người tên Hải cho biết bà bị phạt hành chính 24 triệu và 2 năm tù giam, đồng thời yêu cầu bà cung cấp thông tin cá nhân, thân nhân để ‘hướng dẫn’ bà C. khai báo để giải quyết.
Sau khi nghe khai báo, người đàn ông qua điện thoại tên Hải, xưng là cảnh sát điều tra bất ngờ thông báo bà C. người có số CMND nêu trên đang có lệnh bắt của Viện kiểm sát liên quan đến một đường dây ma túy. Người xưng là cảnh sát điều tra cho bà biết đã bắt được 2 đối tượng, hai người này khai báo có tài khoản trong 2 ngân hàng với số tiền hơn 20 tỷ đồng, đứng tên bà T.T.C và đăng ký mở bằng CMND đã mất của nạn nhân.
Với chiêu thức uy hiếp và trấn an, người trong điện thoại lại ‘hướng dẫn’ bà C. “chị hãy mở 2 tài khoản ở 2 ngân hàng, mỗi tài khoản có 20 tỷ VND của chính chị để tương ứng với số tiền đã có trong tài khoản mang tên T.T.C”.
Ngay sau khi kết thúc cuộc điện thoại, trong chiều hôm đó, bà C. vội vàng đến hai ngân hàng khác nhau mở 2 tài khoản mới bằng hộ chiếu.
Sáng hôm sau, bà C. tiếp tục nhận được điện thoại từ người tên Hải hỏi và thúc giục đã mở tài khoản và gửi tiền vào hay chưa. Bà C. sau đó huy động, vay mượn người thân gửi tiền vào 2 số tài khoản mới mở tại 2 ngân hàng.
Sáng thứ 2, ngày 25/4/2022, bà C. đến ngân hàng để sao kê thì nhận được thông báo tài khoản không còn tiền. Nhân viên Ngân hàng còn hỏi: Sao tài khoản của chị mà có người khác lập nick?
Tá hỏa, bà C. vội chạy sang ngân hàng khác gần đó yêu cầu sao kê và thông báo cho Công an biết. Trong sáng ngày hôm sau, việc sao kê mới hoàn tất. Kết quả cả 2 tài khoản mới mở của bà đã bị chuyển đi sạch số tiền 26 tỷ 560 triệu đồng.
Tiền trong tài khoản ngân hàng được bảo vệ ra sao?
Vụ việc đã được Công an tỉnh Bắc Ninh vào cuộc điều tra, nhưng đến nay chưa có kết quả. Do thiếu cảnh giác, bị uy hiếp tinh thần, rơi vào bẫy thao túng tâm lý của các đối tượng lừa đảo công nghệ, bà C. không tỉnh táo đã làm theo. Tuy nhiên, khi bình tĩnh nhớ lại sự việc, nạn nhân không khỏi bức xúc và thất vọng vì cho rằng mình là khách hàng nhưng lại không được ngân hàng bảo vệ.
Theo chia sẻ của bà C. trong thư gửi đến các cơ quan chức năng, ngoài việc cầu cứu truy tìm số tiền đã mất, bà C. cũng đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra quy trình lập hồ sơ “Mở tài khoản cá nhân cho khách hàng” tại ngân hàng.
Theo bà, nhân viên tiếp nhận hồ sơ mở tài khoản tại quầy giao dịch của ngân hàng đã không cấp mật khẩu; không hướng dẫn khách hàng tải App vào điện thoại cá nhân; không hướng dẫn mở Internet Banking cho chủ tài khoản… và nhiều lỗi khác dẫn đến việc bị rút mất toàn bộ số tiền 26 tỷ 560 triệu VNĐ mà bà không hề hay biết.
Cho rằng, với việc mở tài khoản và huy động số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng vào tài khoản, nạn nhân cũng thuộc nhóm khách hàng VIP nhưng “nhân viên ngân hàng này chỉ cấp số tài khoản tôi mới mở tại ngân hàng, không hướng dẫn cho tôi cách bảo mật số tiền mà tôi đã chuyển vào 2 tài khoản mới mở. Mọi giao dịch tiền chuyển đến tài khoản và chuyển tiền đi từ 2 số tài khoản này của tôi là T.T.C đều không nhận được bất kỳ một tin nhắn hay thông báo nào trên điện thoại cá nhân của tôi trong 3 ngày đó’’ bà C. nói.
Sự việc xảy ra cho tới nay đã hơn một năm, nạn nhân bị mất số tiền 26 tỷ 560 triệu đồng vẫn gõ cửa cơ quan chức năng và ngân hàng để tìm biện pháp xử lý nhưng chưa nhận được kết quả khả quan nào.
Bà T.T.C nộp đơn khởi kiện lên tòa án, đề nghị xem xét lại quy trình mở tài khoản, bảo mật tài khoản của khách hàng trong ngân hàng.
Bà T.T.C cho biết đã gửi đơn khởi kiện lên TAND thành phố Từ Sơn để làm rõ vụ việc và đề nghị Công an, Ngân hàng Nhà nước thẩm định lại quy trình cấp mở tài khoản cho bà và quy trình bảo mật, bảo vệ tài khoản của cá nhân trong ngân hàng. Nếu có dấu hiệu sai phạm của ngân hàng như không phát hiện được hacker xâm nhập trái phép vào hệ thống, không thực hiện kịp thời các biện pháp bảo vệ cho chủ tài khoản và thông báo cho chủ tài khoản biết khi có dấu hiệu rút tiền ồ ạt, bất thường quá hạn mức thì yêu cầu Tòa án buộc Ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng bị mất tiền.
Hiện, vụ việc đã được TAND thành phố Từ Sơn ra thông báo thụ lý vụ án.
VTV.vn