Gần 90 triệu dân nhớ nguồn gốc tài sản, sao 4 triệu cán bộ lại có người không?

0
2281
-Quảng Cáo-

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ đặt câu hỏi như vậy tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Mai Bộ – đoàn An Giang ý kiến xung quanh Điều 59 về tài sản kê khai không trung thực hoặc giải trình không hợp lý.

“Phải khẳng định mối quan hệ pháp luật về tài sản không trung thực hoặc không giải trình được và xử lý tài sản này, đó là quan hệ giữa nhà nước với cán bộ, công chức, viên chức. Không phải quan hệ giữa nhà nước với công dân.

— Ở đây có một vấn đề, tại sao 90 triệu dân Việt Nam tới gần 90 triệu người nhớ được nguồn gốc tài sản của mình. Trong khi số trên dưới 4 triệu cán bộ lại có trường hợp không nhớ được nguồn gốc tài sản của mình?

Nếu điều này mà hỏi bà còn nhân dân chắc không ai chấp nhận.

Chính vì vậy, về quan điểm, tôi nhất trí với dự thảo luật là phải có quy định về việc xử lý tài sản này”, đại biểu Bộ nêu quan điểm.

Theo đại biểu, về quan hệ xung quanh khối tài sản, chúng ta đang đề cập thì nó là quan hệ tài sản nên nó không thuộc đối tượng phải chịu thu thuế.

Theo đại biểu nếu có chăng cưỡng ép vào thì nó chỉ là phần kê khai không trung thực, còn lại thì nó không phải là đối tượng của xử phạt hành chính mà cũng không phải thu thuế.

Mặc dù cán bộ, công chức đó vẫn bị xử lý kỷ luật khi không trung thực.

Quan điểm của đại biểu Nguyễn Mai Bộ là phải thực hiện theo con đường tố tụng tư pháp dân sự.

Về Điều 81, trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, đại biểu cho biết: “Mạnh dạn báo cáo với đồng chí Tổng Thanh tra Chính phủ, tôi đề cập lần này là lần thứ năm.

Đó là xung quanh việc quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 81 quy định Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố các tội tham nhũng, Tòa án nhân dân tối cao xét xử các tội tham nhũng.

Trong 5 lần tôi phát biểu có một lần một đồng chí Vụ trưởng của Thanh tra Chính phủ có hỏi tôi là anh đã xét xử chưa?

Tôi có trả lời đồng chí, xin thưa với anh tôi mới 27 năm làm Tòa án.

Như vậy, quy định này tôi đã phân tích rất rõ là nó mâu thuẫn với Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự.

Hơn ai hết nó mâu thuẫn với chính khoản 1 của điều này. Khoản 1 điều này đã bao rồi, đó là cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án.

Tôi đề nghị bỏ quy định đó mới chặt chẽ trong luật, đến khi áp dụng mới chính xác”, đại biểu nói.

Liên quan đến việc kê khai tài sản, thu nhập đại biểu Nguyễn Anh Trí – đoàn Thành phố Hà Nội cho rằng, có nhiều ý kiến nhưng hầu như chưa đề cập đến một đối tượng mà ông băn khoăn.

— Đại biểu dẫn chứng có những cô gái mới 19 tuổi đã có biệt phủ xây trên đất hàng nghìn m2.

Có những người mới chỉ là trưởng, phó phòng nhưng đã có những biệt phủ trên khuôn viên hàng nghìn m2.

Biệt phủ gỗ quý của 1 lãnh đạo kiểm lâm

Tài sản đó từ đâu mà có, dư luận xôn xao, nhiều trường hợp báo chí cũng viết nhiều. Thế nhưng không làm gì được vì còn thành niên thì không phải kê khai tài sản, thu nhập.

Biệt phủ nguy nga của giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái

“Vì không có luật nên chúng ta đã thua về lý. Tôi mong rằng Ban soạn thảo nghiên cứu, đề xuất sửa đổi luật để giải quyết cho được một bất cập rất lớn trong thực tiễn này.

Ví dụ, khi có dư luận, báo chí vào cuộc về khối tài sản khủng, nghi tham nhũng thì có thể yêu cầu con chưa thành niên cũng phải kê khai tài sản”, đại biểu đề nghị.

Theo đại biểu: “Lò đã đỏ lửa, nhưng có nóng đến triệu độ, mà lỗ hổng trong luật vẫn còn thì nhân dân, chính quyền không thể lấy được củi tham nhũng để cho vào lò”.

Về vấn đề tài sản không minh bạch, đại biểu cho rằng có nhiều ý kiến thảo luận nhưng khó ngã ngũ. Theo đại biểu Trí, trước hết cần có giải thích từ ngữ.

— Theo ông, “tài sản không minh bạch” là bao gồm tất cả các tài sản không kê khai, kê khai không trung thực, tài sản không giải thích được một cách hợp lý.

Loại tài sản này thì chưa tịch thu mà chỉ thực hiện theo phương án 1 Điều 59.

“Cần bổ sung “người có tài sản không minh bạch bị xem xét để kỷ luật, tài sản không minh bạch không được mua bán và trao đổi.

Người sử dụng tài sản không minh bạch sẽ không được bổ nhiệm chức vụ và có thể kết cục sẽ bị kỷ luật”, đại biểu nêu quan điểm.

Báo Giáo dục