Việt Nam trước tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung

0
2162

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ hội Việt Nam có được từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ nhiều hơn là thách thức. Thay đổi, cải cách, nâng cao chất lượng sản phẩm chính là con đường đi lâu dài của các doanh nghiệp Việt Nam.

-Quảng Cáo-

Cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu sau 0h sáng 6-7 (giờ Mỹ) khi quyết định áp thuế của Mỹ với 34 tỉ USD hàng Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Phía Trung Quốc nhanh chóng trả đũa bằng gói thuế quan 25% tương tự nhằm vào 545 hàng Mỹ – từ ôtô tới nông phẩm, cũng trị giá 34 tỉ USD.

Hàng hóa Trung Quốc gặp khó khăn ở thị trường Mỹ sẽ là cơ hội để các nước khác – trong đó có Việt Nam – xuất khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm cách xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du – Giảng viên Đại học Fulbright, nhìn bối cảnh toàn cầu, chiến tranh thương mại này sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng, tác động cụ thể ra sao phải chờ thêm thời gian. Với Việt Nam, Tiến sĩ Du nói, cuộc chiến thương mại này sẽ “vừa tích cực, vừa tiêu cực”.

Cũng như nhiều nước khác, lợi ích trực tiếp của Việt Nam đến từ cuộc chiến thương mại này, khi cánh cửa cho hàng Trung Quốc sang Mỹ dần khép lại với mức thuế suất nhập khẩu tới 25%, là có thể tận dụng được cơ hội thị trường Mỹ với các mặt hàng xuất khẩu cùng loại. Tương tự, nhiều hàng hóa Trung Quốc áp thuế cao đối với Mỹ không phải là thế mạnh của Việt Nam nhưng cũng không loại trừ khả năng một số hàng hóa Việt Nam có thể tận dụng thị trường.

“Cơ hội vào Mỹ với một số lĩnh vực lâu nay chúng ta cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc như dệt may, da giày… sẽ đến nhiều hơn”, ông Du nói.

Dây chuyền sản xuất áo sơ mi xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: PV

Dây chuyền sản xuất áo sơ mi xuất khẩu sang Mỹ.

Nguy cơ từ hàng Trung Quốc “đội lốt”

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phân tích: một khi hàng hóa Trung Quốc khó vào Mỹ sẽ xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, đó là cơ hội cho không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, mua được nguyên – nhiên vật liệu, linh kiện, chi tiết phụ tùng rẻ, qua đó tăng sức cạnh tranh xuất khẩu, có cơ hội gia tăng xuất khẩu vào Mỹ để thay thế phần nào hàng hóa Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng chúng ta đang đối mặt nỗi lo lớn vì hàng hóa Trung Quốc “chất lượng Mỹ” không xuất khẩu được vào Mỹ sẽ đổ bộ vào các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Đồng thời, Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Khi quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng, việc điều chỉnh cơ cấu của Trung Quốc có thể thúc đẩy hàng hóa của nước này xuất khẩu vào Việt Nam.

Lo ngại hàng Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam xuất sang Mỹ cũng được ông Phạm Xuân Hồng – chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. HCM đề cập. Thực tế hiện nay, quần áo, giày dép hay túi xách Trung Quốc đang đi vào Việt Nam bằng nhiều con đường, rất nhiều trong số đó là hàng nhập lậu.

“Chúng tôi lo ngại về tình trạng hàng dệt may Trung Quốc chuyển qua Việt Nam, sau đó lấy nhãn mác của chúng ta xuất sang Mỹ. Các doanh nghiệp Việt Nam đừng vì lợi ích trước mắt mà kết nối với những kênh hàng hóa này, nếu bị Mỹ phát hiện sẽ ảnh hưởng tới uy tín cả ngành dệt may” – ông Hồng khuyến nghị.

 Nhà nước cần quản lý tốt hoạt động xuất nhập khẩu, đừng để sản phẩm của Trung Quốc chuyển sang Việt Nam, sau đó lấy thương hiệu Việt xuất đi Mỹ.


— ông Phạm Xuân Hồng —

Cho rằng ảnh hưởng cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc tác động không lớn tới ngành thép, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam – vẫn lo lắng, nếu quan hệ thương mại giữa hai quốc gia này căng thẳng, cơ quan quản lý Mỹ sẽ rất lưu ý xuất xứ hàng xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt hàng xuất xứ từ Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Sưa khuyến cáo, doanh nghiệp thép Việt Nam không nên tiếp tay cho việc chuyển xuất xứ thép Trung Quốc thành xuất xứ Việt Nam để xuất sang các nước khác, trong đó có Mỹ. Bởi vì nước khác áp thuế cao với thép Trung Quốc, và họ cũng đánh thuế nặng vào các mặt hàng cố tình lẩn tránh thuế.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đề nghị: “Cộng đồng doanh nghiệp đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư… tổng hợp, phân tích nguy cơ, cơ hội với nền kinh tế và các ngành; thông tin kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp”.
 
Tuổi Trẻ, VnExpress