Cựu bộ trưởng Trần Tuấn Anh bị kỷ luật, không bị xử lý hình sự trong vụ án tại Bộ Công Thương

0
36

Trong bản kết luận điều tra bổ sung vụ án sai phạm gây thiệt hại hơn 1.000 tỉ đồng tại các nhà máy điện mặt trời xảy ra tại Bộ Công thương, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã xem xét trách nhiệm, kiến nghị kỷ luật đối với ông Trần Tuấn Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương và ông Trịnh Đình Dũng – nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.

-Quảng Cáo-

Trong vụ án này, Bộ Công an đề nghị truy tố 12 bị can, trong đó 9 người về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và 3 người về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo kết luận điều tra bổ sung, ông Trần Tuấn Anh, trong vai trò Bộ trưởng Bộ Công thương, đã ký 6 tờ trình và báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Bản kết luận điều tra bổ sung thể hiện theo phân công nhiệm vụ trong lãnh đạo Bộ Công Thương, bị can Hoàng Quốc Vượng – cựu chủ tịch EVN, cựu thứ trưởng Bộ Công Thương – được phân công phụ trách Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, chịu trách nhiệm chỉ đạo xây dựng dự thảo quyết định số 13/2020/QĐ-TTg.

Cơ quan điều tra cho rằng ông Hoàng Quốc Vượng có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc Bộ Công Thương tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về diện đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách giá điện ưu đãi.

Ban đầu, Cơ quan điều tra xác định hành vi của bị can Vượng và một số người khác gây thiệt hại hơn 937 tỉ đồng cho EVN. Sau khi điều tra lại, Cơ quan An ninh xác định thiệt hại trong vụ án lên tới hơn 1.043 tỉ đồng.

Do đó, Cơ quan An ninh Điều tra không xem xét xử lý hình sự đối với ông Trần Tuấn Anh. Tuy nhiên, cơ quan này kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm về hành chính và kỷ luật Đảng đối với ông này.

Cựu phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng không bị xử lý hình sự

Đối với ông Trịnh Đình Dũng, Cơ quan điều tra xác định theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, ông chịu trách nhiệm xây dựng và ký ban hành quyết định số 13.

Kết quả điều tra bổ sung thể hiện do ông Dũng tin tưởng vào kết quả xây dựng, thẩm định, thẩm tra dự thảo quyết định số 13, nên khi ký ban hành ông không biết có một số nội dung trái với nghị quyết 115.

Bên cạnh đó, kết quả điều tra không có tài liệu chứng cứ thể hiện ông Trịnh Đình Dũng nhận tiền, lợi ích vật chất khác để tạo lợi ích không chính đáng cho các doanh nghiệp. Do đó, “không xem xét xử lý hình sự với ông Trịnh Đình Dũng”.

Với ông Mai Tiến Dũng, cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Cơ quan điều tra xác định ông đã ký 2 tờ trình đề xuất tổ chức họp và tham dự một cuộc họp do cựu phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì, bàn về việc xây dựng dự thảo quyết định số 13.

Tuy nhiên, ông Dũng không trực tiếp chỉ đạo việc thẩm tra dự thảo quyết định trên, không biết dự thảo được xây dựng trái quy định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Kết quả điều tra cũng không có tài liệu, chứng cứ thể hiện ông Mai Tiến Dũng nhận tiền, lợi ích vật chất khác để làm trái quy định, tạo lợi ích không chính đáng cho các doanh nghiệp. Do đó, Cơ quan điều tra không xem xét xử lý hình sự đối với ông Dũng.

Đối với các cá nhân liên quan đến việc thẩm định, tham gia ý kiến với dự thảo quyết định số 13 của Bộ Tư pháp, kết quả điều tra xác định hành vi của các cá nhân này vi phạm trong thực hiện quy trình thủ tục.

Kết quả điều tra không có tài liệu chứng cứ thể hiện các cá nhân này nhận tiền, lợi ích vật chất khác để tạo lợi ích không chính đáng cho các doanh nghiệp. Do đó đây là vi phạm về hành chính nên không xử lý hình sự.

Tuổi Trẻ

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận