Campuchia dự kiến cuối năm 2024 sẽ khởi công xây dựng kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo) dẫn nước từ sông Mê Kông nối thẳng ra biển nước này, mục tiêu hoàn thành vào năm 2028. Kênh đào này sẽ ảnh hưởng tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam.

Các địa phương vùng cuối nguồn Mê Kông còn 4 năm để chuẩn bị giải pháp ứng phó với việc sụt giảm nguồn nước và các tác động khác, dù tới nay chưa được công bố rõ ràng.

Dân miền Tây đặc biệt quan tâm

-Quảng Cáo-

Theo nhận định của một số chuyên gia, kênh đào Phù Nam Techo nếu được thực hiện, những địa phương vùng ĐBSCL chịu tác động nhiều và dễ tổn thương nhất sẽ nằm dọc theo sông Tiền và sông Hậu, như: An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng… Do đó, trước hết, mỗi địa phương cần có các kịch bản, giải pháp ứng phó chủ động của riêng mình, trước khi tính tới liên vùng, liên quốc gia.

Thực tế, mùa khô năm nay, khi nắng hạn kéo dài, lượng nước thượng nguồn sông Mê Kông về vùng ĐBSCL sụt giảm vì một số đập thượng nguồn tích nước, xâm nhập mặn đã vào sâu nội địa hơn trung bình nhiều năm, thành một trong những mùa hạn, mặn lịch sử.

Với thực tế biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, lượng nước ngọt suy giảm, có thêm kênh đào Phù Nam Techo chia nước, khó tránh khỏi những mùa hạn, mặn nghiêm trọng hơn ở ĐBSCL trong tương lai.

Kênh đào Phù Nam Techo (Campuchia) khi đi vào hoạt động được dự báo sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến tình trạng thiếu nước, khô hạn ở vùng ĐBSCL. 

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, một dòng sông bỗng có một dự án kênh đào cắt ngang, tất nhiên hạ du sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin cụ thể, chính xác về tác động của dự án kênh đào Phù Nam với vùng ĐBSCL, chẳng hạn như nếu gây thiếu nước sẽ ở mức độ nào, bao nhiêu phần trăm…

“Địa phương cũng mới nắm thông tin từ các nhà khoa học, qua báo đài, người dân nghe tin cũng băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, chưa nghe ai nói địa phương phải làm gì, nên tỉnh cũng còn chờ đợi thêm thông tin”, ông Ngời nói.

Về các giải pháp chủ động ứng phó từ địa phương khi kênh đào Phù Nam được thực hiện, ông Ngời cho biết, kể cả khi chưa có thông tin về dự án kênh đào của Campuchia, đã có những yếu tố khác ảnh hưởng đến nguồn nước trong vùng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh Vĩnh Long đã đưa ra nhiều giải pháp. Địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền cho người dân biết để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất. Dù vậy, có những giải pháp địa phương cũng “lực bất tòng tâm”, nên cần sự chia sẻ, phối hợp, hỗ trợ từ trung ương và cả vùng.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh- ông Lê Văn Hẳn cũng thông tin, tỉnh rất quan tâm đến dự án kênh đào Phù Nam, vì các địa phương dọc sông Mê Kông sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp.

“Chúng tôi cũng theo dõi thông tin qua báo chí, dư luận tỏ ra rất lo lắng. Chúng tôi đi chỗ này, chỗ kia thấy người dân cũng theo dõi thông tin rất sát. Thậm chí, có cán bộ hưu trí gặp tôi cũng hỏi về dự án này, cho thấy đây là vấn đề rất được quan tâm”, ông Hẳn nói.

Ở góc độ địa phương, Trà Vinh dự kiến sẽ xem xét và họp các ngành chức năng để đề xuất, kiến nghị lên trung ương. Trường hợp dự án vẫn được triển khai, các địa phương ĐBSCL và Trà Vinh sẽ cần những giải pháp để chủ động ứng phó căn cứ theo thực tế địa phương sau này. Ông Hẳn cũng cho rằng, ở cấp tỉnh, vùng cần có kịch bản phải làm gì sau khi dự án đó được triển khai.

Kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo) dự kiến được khởi công vào cuối năm 2024 sau khi Tập đoàn quốc doanh Cầu đường Trung Quốc đạt được thỏa thuận triển khai dự án tại một hội nghị Sáng kiến Vành đai và Con đường diễn ra hồi tháng 10 năm ngoái. Dự án dự kiến được hoàn thành năm 2028 với kinh phí khoảng 1,7 tỷ USD.

Theo kế hoạch, con kênh sẽ có chiều rộng 100m ở thượng nguồn, 80m ở hạ nguồn, sâu 5,4m. Kênh kéo dài khoảng 180km (chỉ kém kênh đào Suez hơn 10km) từ Phnom Penh đến tỉnh ven biển Kep của Campuchia. Kênh đào sẽ chạy qua 4 tỉnh gồm Kandal, Takeo, Kampot, Kep, và đổ ra vịnh Thái Lan với tổng dân số 1,6 triệu người sinh sống hai bên đường thủy.

Chờ bước đi tổng thể

Ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, Bến Tre nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông, nên chịu tác động từ biến đổi khí hậu và các hoạt động điều tiết nước từ thượng nguồn như đập thủy điện, kênh đào Phù Nam.

Dù muốn dù không vẫn phải tính toán các giải pháp ứng phó. “Bến Tre đang hoàn thiện hệ thống thủy lợi và các cống, đê bao xung quanh. Dự kiến, đến năm 2028, Bộ

NN& PTNT hoàn chỉnh các cống của dự án quản lý nước, khi đó cơ bản làm chủ các đê bao bảo vệ toàn tỉnh” ông Thắm chia sẻ.

Ông Thắm cho rằng, Bến Tre không thể tách rời với các giải pháp cho toàn vùng ĐBSCL. Bến Tre “phòng thủ” ở góc độ địa phương, còn ở phương diện vùng cần các nhà khoa học, cơ quan trung ương nghiên cứu mô hình mới về nguồn nước.

“Khi có kênh đào Phù Nam, các đập thủy điện thượng nguồn Mê Kông hình thành, mô hình nguồn nước mới cho cả vùng ĐBSCL sẽ ra sao, theo hướng nào? Phải vạch ra được để từ đó bố trí, quy hoạch lại vùng dân cư, sản xuất cho phù hợp, giảm tác động tiêu cực do thiếu nước ngọt”, ông Thắm nói.

Cũng theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Bến Tre, dù người dân đã nhiều đời thích ứng với hạn mặn, nhưng khi có kênh đào Phù Nam tình hình có thể sẽ rất khác. Do đó, vẫn phải có góc nhìn tổng thể cả vùng, mùa khô đáp ứng nguồn nước ngọt ra sao, lấy từ đâu để chủ động, không thể tới mùa hạn mặn lại lo lắng. Muốn vậy phải có nghiên cứu, đánh giá và các giải pháp tổng thể cho từng tỉnh và liên vùng.

Góp ý về giải pháp ứng phó kênh đào trên, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, với việc hụt giảm nước ngọt do tác động của tuyến kênh, cần củng cố lại các kênh vùng Tứ giác Long Xuyên. Trước tiên, cần nạo vét (đào sâu) thêm các con kênh hiện có để trữ nước từ sông Vàm Nao đưa vào dự trữ, đi liền với kè chống sạt lở và xây dựng thêm các hồ chứa nước ngọt.

Khi đó, nước ngọt sẽ tới Thoại Sơn, Núi Sập (An Giang), sang Hòn Đất (Kiên Giang). Còn hệ thống kênh vùng Đồng Tháp Mười đã gần hoàn chỉnh, cần củng cố thêm.

Kênh đào Phù Nam Techo làm khô hạn ở Đồng bằng sông Cửu Long thêm trầm trọng

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã bày tỏ quan ngại dự án này sẽ có những tác động tiêu cực tới Đồng bằng sông Cửu Long.

PGS.TS Lê Anh Tuấn – giảng viên cao cấp khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Trường đại học Cần Thơ, lo ngại dự án này không chỉ lấy nước phục vụ giao thông thủy như thông báo của Campuchia mà phục vụ cho cả sản xuất nông nghiệp của họ.

Nếu tính toán đầy đủ thì vào mùa khô, nếu có kênh Phù Nam Techo, lượng nước trên sông Tiền và sông Hậu (hai phân lưu của sông Mekong) khi về đến Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm hơn 50%.

“Những năm khô hạn như năm 2016 và năm 2024, tình trạng thiếu hụt nước sẽ thêm trầm trọng. Đây là điều đáng suy nghĩ cho tương lai dòng chảy trên sông Hậu mùa khô chứ không thể xem là không đáng kể.

Chắc chắn là với mức suy giảm theo ước tính như thế này thì khả năng xâm nhập mặn sâu hơn, có thể ảnh hưởng trên một nửa diện tích canh tác vùng châu thổ trong tương lai vào mùa khô và trong các giai đoạn triều cường”, ông Tuấn cảnh báo.

Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng vào mùa mưa, kênh đào này với đường đắp bờ hai bên thành đường giao thông và đô thị hóa sẽ trở thành con đê cắt ngang qua các cánh đồng ngập lũ (lũ trên sông Mekong và lũ tràn đồng).

Như vậy đặc điểm phân bố nước sẽ thay đổi nghiêm trọng, phía bắc của kênh diện tích ngập sẽ gia tăng lên, trong khi phần đất phía nam và vùng trũng Tứ Giác Long Xuyên sẽ giảm lũ.

Lũ thấp sẽ không những ảnh hưởng chức năng của các đập điều tiết như đập Tha La mà còn làm giảm nguồn cá, nguồn phù sa, nguồn dinh dưỡng từ sinh vật phù du trong nước và thay đổi mạnh tính đa dạng sinh học do chuỗi thức ăn thay đổi một cách đáng kể.

Dự báo các cánh đồng và vùng đất ngập nước nổi tiếng như Anlung Pring là nơi bảo tồn sếu của Campchia và vùng đất ngập nước Trà Sư, Tỉnh Đội, khu bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ sẽ giảm lượng nước đáng kể và de dọa sự tồn tại đặc điểm đa dạng sinh học ở các nơi này.

Đồng tình, ông Phạm Hồ Quốc Tuấn (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ) cho biết vào mùa khô dòng chảy sông Mekong và sông Bassac về hạ lưu đã giảm trong nhiều năm nay.

Nếu kênh đào Phù Nam Techo lấy thêm một lượng nước (hiện chưa rõ lấy thêm một lượng bao nhiêu), khi đó dòng chảy về hạ lưu chắc chắn sẽ sụt giảm, dẫn tới khả năng thiếu hụt lượng nước vào mùa khô, sẽ có tác động đối với Đồng bằng sông Cửu Long là điều chắc chắn.

“Trong giai đoạn thực hiện và hoạt động của dự án chắc chắn có tác động đến khu vực hạ lưu sông, vùng biển. Còn mức độ tác động ít hay nhiều thì cần có các nghiên cứu khoa học chuyên sâu, độc lập, mang tính quốc tế. Từ đó đề xuất các biện pháp giảm thiểu các tác động và đưa ra giải pháp thích ứng để phát triển kinh tế – xã hội, môi trường vùng hạ lưu ở Đồng bằng sông Cửu Long”, theo ông Tuấn.

Cần phối hợp chặt chẽ với Campuchia

Ông Võ Đức Phong – Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, cho rằng về dự án, hiện còn nhiều thông tin chưa được phía Campuchia cung cấp đầy đủ nên còn nhiều cái mơ hồ, chưa hình dung được kênh đào này ảnh hưởng thế nào tới sản xuất nông nghiệp.

“Đề nghị Ủy ban sông Mekong Việt Nam hợp tác chặt chẽ với phía Campuchia ngay từ khâu nghiên cứu dự án để kịp thời phát hiện bất lợi, đồng thời thường xuyên chia sẻ thông tin với các tỉnh để chúng tôi có thông tin về kênh đào này nhằm chủ động tham mưu UBND tỉnh đưa ra giải pháp phù hợp hơn trong tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp”, ông Phong kiến nghị.

Còn ông Võ Kim Thuần – chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An, cho rằng thông tin về kênh đào Phù Nam Techo khiến tỉnh rất lo ngại, trước hết là lo ngại ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt, đến sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Đồng thời vấn đề lưu thông tại các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười chuyên chở hàng hóa liên tỉnh qua Long An, qua kênh Rạch Chanh, Thủ Thừa về TP.HCM… nếu nguồn nước thiếu hụt sẽ ảnh hưởng nhiều tới lưu thông thủy.

“Thông tin dự án này còn nhiều hạn chế, đề nghị phía Campuchia cần chia sẻ, minh bạch thêm thông tin. Ủy ban sông Mekong quốc tế cần có nghiên cứu, đánh giá tác động xuyên biên giới và đề nghị chia sẻ đánh giá tác động này cho các quốc gia thành viên”, ông Thuần đề xuất thêm.

Còn thiếu nhiều thông tin về dự án

Ban thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế nhận được công văn chính thức của Campuchia về dự án đường thủy nội địa kênh đào Phù Nam Techo vào ngày 8-8-2023.

Thông báo này nêu mục đích của dự án là kết nối giao thông đường thủy nội địa và kết nối hàng hải bằng cách xây dựng một tuyến đường thủy dài 180km, mở rộng và đào sâu các kênh hiện có, đào một số đoạn mới nối biển với trọng tải tạo 1.000 DWT cùng ba âu thuyền để duy trì mực nước cho giao thông thủy.

Đến hiện tại phía Campuchia vẫn chưa có thông tin về một số yếu tố kỹ thuật của dự án như: cao độ lòng sông tại điểm đầu và điểm cuối của các đoạn kênh, độ dốc lòng kênh, chiều rộng mặt kênh, cao độ của bờ kênh, lưu lượng xả nước, quy tắc hoạt động trong mùa khô và mùa mưa…

Tiền Phong, Tuổi Trẻ

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận