Bãi san hô nhuộm đỏ máu những người con đất Việt. Gạc Ma rơi vào tay giặc. Vết cắt từ trận chiến đau thương không thôi cứa vào trái tim những cựu binh còn sống. Mỗi lần Trung Quốc đem tàu thuyền vờn quanh vùng biển Việt Nam, lòng họ lại cuộn trào nỗi hờn căm tột độ…
Trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt hôm 13/3, những cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Thống, Lê Văn Đông, Lê Hữu Thảo và Lê Văn Thoa đã chia sẻ nỗi niềm của một người cựu chiến binh trong cuộc hải chiến đau thương Gạc Ma 14 tháng 3 năm 1988.
‘Trung Quốc là kẻ thù’
Cuộc giằng co và xả súng xảy ra vào buổi sáng 14 tháng 3 vẫn còn trong trí nhớ cựu binh Nguyễn Văn Thống. Khi ấy, trung sĩ Thống là tiểu đội trưởng thuộc đơn vị công binh E83 đang ở trên boong tàu HQ-604.
Từ chỗ đứng của mình, anh thấy rõ các đồng đội đang cầm cự với lính Trung Quốc. Pháo lớn bắt đầu nã vào chiếc HQ-604. Lực lượng Việt Nam trên tàu liền dồn vào ca bin rất đông, đạn địch vẫn không ngớt lia tới những con người hầu như không được vũ trang. Kết quả trận chiến, 64 chiến sĩ hy sinh, Thống cùng một vài người khác sống sót và bị cầm tù.
Trung sĩ Nguyễn Văn Thống bị giam cầm, anh và các đồng đội đã được trao trả vào năm 1991
Trở về từ nhà tù Lôi Châu, Trung Quốc sau hơn 3 năm, Thống là thương binh bậc 1 với một phần cơ thể biến dạng, hàng chục mảnh đạn nằm trong thân thể anh. Cứ gần sát ngày kỷ niệm cuộc hải chiến Gạc Ma, anh lại đau đáu: “Tới ngày 14/3 là ký ức đau buồn lại về. Tôi nhớ đồng đội, bạn bè đã vì tổ quốc mà nằm lại nơi biển xa giá lạnh. Lòng tôi buồn đau lắm. Mỗi khi trở trời các vết thương trên mình lại hành hạ khiến tôi càng căm thù quân xâm lược đã giết hại đồng chí và cướp biển đảo”.
Cùng với trung sĩ Thống, trung sĩ Lê Văn Đông cũng bị trói, bịt mắt và bỏ đói trong hầm tàu. Khi được đưa tới trại giam ở Trung Quốc, vết thương của Lê Văn Đông bắt đầu bốc mùi nặng. Những người bắt giữ liền đưa anh tới bệnh viện, trói chân tay lại và mổ.
Ông Đông nhớ lại: “32 năm trôi qua mà tôi tưởng như mới ngày hôm qua, các đồng đội còn đó: người bị thương, người kêu khóc, người bị bắn và chiếc tàu chìm dần. Có lúc nằm mơ về cuộc chiến, tôi tưởng như đó là cuộc đời ai khác, không phải mình. Tôi tự hỏi sao Trung Quốc ác đến vậy, tôi bị thương ba ngày ba đêm mà không được băng bó, không được gây tê, chỉ mổ sống. Vết thương đã đau cộng hưởng vết dao sắc lạnh mãi ám ảnh tôi”.
Ngày về từ nhà tù, cựu binh Lê Văn Đông mang theo một kỷ vật: mảnh đạn được bác sĩ quân y Trung Quốc gắp ra từ ca mổ sống hôm nào. Anh đã lưu giữ nó như một chứng tích cho một thời đoạn đau thương của anh, và cũng của đất nước này.
Dù đã mất mảnh đạn trong một trận lũ nhưng những mảnh đạn khác vẫn nằm trong thân thể người cựu chiến binh. “Với tôi Trung Quốc là kẻ thù, nhắc tới Trung Quốc, tôi chỉ thấy căm giận, không anh em láng giềng gì hết. Lúc bị mổ sống, tôi cảm thấy mình bị đối xử như con vật”, cựu binh Đông chia sẻ.
Cựu binh Lê Văn Đông (cầm điện thoại) cùng các đồng đội trong ngày họp mặt
‘Cuộc thảm sát’
Những người lính công binh tuổi đôi mươi ra đi năm 1988 ấy không hề mảy may dự cảm chiến tranh sẽ ập đến. Rồi họ bị bủa vây bởi làn đạn thù. Và khi cuộc gió tanh mưa máu kết thúc, họ bị đẩy vào chốn lao ngục.
Ngày trung sĩ Lê Văn Đông lên đường làm nhiệm vụ cũng là ngày anh vừa kết hôn. Tâm trí người lính trẻ có phần day dứt với người vợ mới cưới, nhưng cũng hừng hực khí thế “ra đi để xây dựng biển đảo”. Anh nói: “Đối với tôi đây là cuộc thảm sát vì lực lượng công binh chúng tôi có súng ống gì trong tay đâu. Tôi ra đi để xây dựng giàn khoan, trong tay chỉ có cuốc xẻng trong khi lính Trung Quốc được trang bị đầy vũ khí”.
Cựu binh Lê Hữu Thảo, tiểu đội trưởng của Lữ đoàn 146 cho rằng: “Tuy rằng lực lượng hai bên chênh lệch, vũ khí chúng ta có đơn sơ nhưng vẫn là vũ khí. Nhưng thông thường, cuộc chiến xảy ra khi hai bên tuyên bố chiến tranh còn sự kiện Gạc Ma nổ ra rất bất ngờ, các chiến sĩ chưa có sự chuẩn bị”.
Lê Văn Thoa, một thành viên của tàu HQ-604 thuộc Lữ đoàn 125 vận tải chuyển hàng và là một trong số người sống sót trở về từ nhà tù Trung Quốc. Đối với anh, sự kiện Gạc Ma mãi là cuộc thảm sát. Anh chia sẻ: “Những ngày này buồn ghê lắm, tôi đi cùng con trai vào Cam Ranh để sáng mai kịp thắp hương cho đồng đội.”.
Trưa ngày 13/3, anh Thoa cùng con trai của mình chở nhau bằng xe máy từ Bình Định đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Cam Ranh để viếng vong linh đồng đội. Đối với anh, mảnh đạn còn sót ở trong đầu khiến anh giảm đi trí nhớ không phải là điều quan trọng. Anh Thoa canh cánh nhất là tro cốt của những đồng đội đã hy sinh: “Đồng đội hy sinh quá nhiều, chỉ mong ước làm sao nhà nước có thể đàm phán với Trung Quốc để tìm được xác đồng đội, những người nằm lại biển khơi đưa về đất liền. Nhưng giờ có thể không thực hiện được nữa…”.
Nhiều người lính đã may mắn sống sót trở về sau cuộc thảm sát Gạc Ma 1988. Nhưng khi ấy, những lời ngợi ca, tôn vinh trong trang sách hay trên truyền thông để kêu gọi lòng yêu nước không có tên tuổi các anh. Dù 64 con người đã ngã xuống và bao nhiêu người bị thương tật, cầm tù trong một trận chiến bảo vệ mảnh đất Việt Nam trước sự xâm lấn của ngoại bang.
Đối với các chiến sĩ sống sót trở về, càng nhiều người biết đến Gạc Ma thì lòng họ và vong linh đồng đội càng cảm thấy được an ủi.
32 năm trôi qua, bãi Gạc Ma xâm xấp nước ngày xưa giờ đã bị Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo khổng lồ. Mỗi chuyến tàu chở quân nhân và người dân Việt đi qua đây để tới các điểm đảo ở Trường Sa, qua cái nơi từng chứng kiến cuộc thảm sát, đều bị kẻ thù nhòm ngó.
Nhiều năm kể từ ngày đau thương ấy, tiếng đạn thù và những ngày ngục tù đã lùi xa nhưng trong lòng những người lính năm xưa vẫn còn bao day dứt khi nghĩ đến tro cốt đồng đội đã mất. Họ thả vòng hoa xuống biển xanh cùng lời nguyện cầu. Bởi lẽ, vẫn còn đâu đó trong lòng biển ngoài kia, hương hồn liệt sĩ đang lẫn vào muôn trùng sóng biếc.
BBC News Tiếng Việt