TP.HCM đề xuất cơ chế hợp tác công tư mua vắc xin Moderna

0
1781

UBND TP.HCM đề nghị cần có chủ trương chính thức cho phép Công ty VinaCapital thực hiện hợp tác công tư, tổ chức thu phí tiêm vắc xin theo cơ chế ‘mua 5 liều vắc xin sẽ tặng xã hội 1 liều’.

-Quảng Cáo-

Ngày 11.8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký văn bản báo cáo Bộ Y tế về việc mua, nhập khẩu vắc xin Moderna của thành phố.

TP.HCM cho biết luôn nỗ lực tìm kiếm mọi cơ hội để mang vắc xin đảm bảo chất lượng về cho người dân thành phố nói riêng và người dân cả nước nói chung với sự hỗ trợ giúp đỡ của Chính phủ, Bộ Y tế và cộng đồng doanh nghiệp.

Về tiến độ đàm phán và mua vắc xin Moderna, ông Đức cho biết sau khi được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chấp thuận, TP.HCM đã phát hành thư giới thiệu Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Công ty Sapharco, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) và Tập đoàn VinaCapital tiến hành đàm phán với Công ty TNHH Zuellig Pharma là đại diện nhà sản xuất vắc xin Moderna để mua 5 triệu liều vắc xin.

 
TP.HCM cũng họp nhiều lần với Tập đoàn VinaCapital và các bên có liên quan, thông qua các nội dung dự thảo Biên bản ghi nhớ giữa UBND TP.HCM, Công ty Sapharco, Công ty TNHH Zuellig Pharma, Tập đoàn VinaCapital về việc mua vắc xin Moderna. 
 
Ngày 7.7, UBND TP.HCM giao Công ty Sapharco thực hiện nhiệm vụ đàm phán, thương thảo, ký kết hợp đồng mua vắc xin phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, Công ty Sapharco đã ký bản điều khoản cơ bản cho việc cung cấp vắc xin phòng Covid-19 Moderna MRNA-1273.
 
Đến nay, Công ty Sapharco đang chờ đại diện Moderna chuyển dự thảo hợp đồng để mua 5 triệu liều vắc xin Moderna, các quy định về bảo mật nội dung hợp đồng cho Công ty TNHH Zuellig Pharma, Tập đoàn VinaCapital và Công ty Sapharco để thương thảo và ký hợp đồng chính thức. Nếu hợp đồng được ký kết thì lịch giao vắc xin dự kiến vào quý 4/2021 hoặc quý 1/2022.

Kỳ vọng giao 2 triệu liều trong tháng 10.2021

UBND TP.HCM cho hay Tập đoàn VinaCapital và Công ty Sapharco đang tiếp tục thương lượng và yêu cầu Moderna, Công ty TNHH Zuellig Pharma đảm bảo số lượng cung ứng tối thiểu 2 triệu liều giao trong tháng 10.2021. Bên cạnh đó, Tập đoàn VinaCapital và Công ty Sapharco cũng đang tiến hành đàm phán với đối tác để mua ít nhất 10 triệu liều vắc xin mũi tăng cường và giao trong đầu quý 2.2022. Mũi thứ hai rất quan trọng và hiện nay các nước đã đặt hàng nhiều.
 
Trong văn bản gửi Bộ Y tế sáng nay (11.8), UBND TP.HCM cũng đề xuất một số nội dung quan trọng nhằm bảo đảm việc tiếp cận vắc xin và tăng khả năng huy động nguồn lực của xã hội.
 
Cụ thể, về phương án hợp tác công tư, UBND TP.HCM đề nghị cần có chủ trương chính thức cho phép Công ty VinaCapital thực hiện hợp tác công tư, tổ chức thu phí tiêm vắc xin theo cơ chế “mua 5 liều vắc xin sẽ tặng xã hội 1 liều”. Hiện Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức tiêm cho các đối tượng có nhu cầu và tự chi trả chi phí tiêm chủng.
 
UBND TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành quy định cụ thể giá dịch vụ tiêm chủng theo quy định tại Nghị định số 104/2016 của Chính phủ về hoạt động tiêm chủng.
 
Ngoài ra, Bộ Y tế có thể tổng hợp nhu cầu vắc xin Moderna của các địa phương khác nhằm tăng số lượng đặt hàng vắc xin gồm 5 triệu liều chính và 10 triệu liều tăng cường để thúc đẩy giao hàng sớm và có thể giảm giá mua vắc xin. Mặt khác, UBND TP.HCM cũng đề nghị Bộ Y tế xem xét, ký bản cam kết miễn trừ trách nhiệm khi có yêu cầu từ nhà sản xuất, nhà cung ứng vắc xin.

Năng lực tiêm vaccine cả nước có thể đạt 2 triệu mũi mỗi ngày

Khi số lượng vaccine về nhiều hơn, năng lực tiêm vaccine cả nước có thể đạt tối đa 2 triệu mũi một ngày, theo Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn.

Tại họp báo Chính phủ chiều 11/8, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết để đạt năng lực tiêm tối đa, lực lượng y tế, quốc phòng, công an sẽ được huy động. Tới đây, khi số lượng vaccine về nhiều hơn, Bộ sẽ tăng tốc tiêm chủng.

Theo ông Thuấn, đến nay Việt Nam đã tiêm được 11,4 triệu liều vaccine trong tổng số 18 triệu liều nhận được. TP HCM được cấp hơn 4 triệu liều, hiện đã tiêm được gần 3,6 triệu. “Hôm nay và ngày mai, TP HCM sẽ tiêm hết số vaccine được cấp và tiếp tục tiêm các loại vaccine hiện có, như Sinopharm”, ông Thuấn nói.

Hà Nội được cấp hơn 2,9 triệu liều vaccine, đã tiêm được 1,5 triệu liều, chiếm hơn 50%. Những ngày tới, Hà Nội sẽ tăng tốc tiêm vaccine.

Để thúc đẩy tiêm chủng, Bộ Y tế đã hướng dẫn các tỉnh lập kế hoạch cụ thể, không để tồn kho vaccine. Tỉnh nào tiêm vaccine chậm thì sẽ bị điều chuyển cho tỉnh khác.

Về điều trị F0 tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, Thứ trưởng Thuấn cho biết, ngay từ sớm Bộ Y tế “đã bàn và chuẩn bị mọi kịch bản có thể xảy ra”. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, con người… được chuẩn bị để chủ động khi tình huống xấu hơn. Hiện có sự quá tải F0 ở TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Một số nơi vì quá lo lắng nên dù F0 chưa đến mức phải chuyển lên tầng 3 (hồi sức cấp cứu) cũng đã chuyển lên, gây quá tải. Trong khi các tầng dưới có thể điều trị tại bệnh viện dã chiến, bệnh viện tuyến huyện, thị xã. Ông Thuấn cho rằng công tác điều trị phải đảm bảo phân loại đúng tầng và chuyển lên tầng trên đúng thời điểm, để tránh quá tải không cần thiết và tránh nguy cơ tử vong.

Đến nay, 19 tỉnh thành phía Nam đã lập 141 bệnh viện dã chiến, nhiều trung tâm hồi sức cấp cứu. Hơn 11.000 cán bộ y tế, sinh viên ngành y đã lên đường hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống dịch.

Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến 11/8/2021 là 232.899, ghi nhận ở 62 tỉnh thành. TP HCM ghi nhận số ca nhiễm cao nhất cả nước với 133.167, Bình Dương 33.748, Long An 12.255, Đồng Nai 10.168…

Thanh Niên, Vnexpress

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận