Cả trăm người quê ở Miền Tây bị mắc kẹt lại tại các chốt trên địa bàn huyện Bình Chánh, họ không thể đi tiếp cũng như trở lại TP.HCM, Đồng Nai… vì đã trả phòng trọ, việc đã mất, tiền cũng đã hết.
Cả trăm người bị chặn lại
Ghi nhận, tại khu vực chốt phần lớn các xe máy được yêu cầu quay đầu, chỉ một số người trình ra các giấy tờ như đi chợ hay các lý do được cho phép mới được đi qua.
Những người vận chuyển hàng hóa cho công ty hoặc shipper đưa hàng không thiết yếu khi tới đây đều phải quay đầu, chọn lộ trình khác. Xe tải đa số đều được cho qua.
Trên vỉa hè, nhiều người dân vạ vật ngồi chờ đợi, một số người lớn tiếng yêu cầu được qua chốt và được lực lượng chức năng giải thích.
Họ là những người lao động thời vụ, đang trên đường trở về quê, khi đến chốt thì bị chặn lại. Hành trang của họ là lỉnh kỉnh đồ đạc như gạo, nước, áo quần, bếp ga… sau khi dọn dẹp phòng trọ với suy nghĩ, đã rời đi là không thể quay lại.
Bà Ngô Thị Ng (55 tuổi, quê ở Đầm Dơi, Cà Mau) ngồi nép vào cột điện trên vỉa hè nói rằng hai vợ chồng đã mất việc khoảng hai tháng, tiền trọ cũng không có để đóng nên quyết định đi xe máy từ Đồng Nai về quê ở Cà Mau.
“Ổng làm thợ, tôi làm phụ, giờ tiền trọ không có trả nên người ta kêu mình ra ngoài. Hai vợ chồng công việc không có thì chỉ còn đường về quê. Giờ không được đi thì chỉ còn cách ngồi đây… ” – bà nói.
Tại khu vực chốt, rất đông người đi xe máy được lực lượng chức năng yêu cầu quay đầu, chọn lộ trình khác. Ảnh: NT
Bà Ng còn cho biết thêm rằng đã trả phòng trọ và mang theo sẵn nồi cơm, bếp ga, gạo, chén đũa… nên bà tính “bám trụ” tại chốt đợi cho qua.
Bà Ng đưa tờ giấy xác nhận của chủ phòng trọ cho PV xem. Trên tờ giấy, người chủ phòng trọ ở phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai viết: “Hai vợ chồng đến thuê được mấy bữa thì dịch bệnh. Những người này đều làm thợ hồ, nay không có việc làm nên xin phường xác nhận cho họ về quê…”
Cũng theo ghi nhận, phần lớn những người “mắc kẹt” tại chốt trên quốc lộ đoạn qua địa bàn xã Tân Kiên là người Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Cần Thơ… có người ở địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.
Dọc hành trình, họ vượt qua rất nhiều chốt và đến khu vực huyện Bình Chánh, TP.HCM thì không được đi qua.
Người dân kiên quyết bám trụ tại chốt đến quá trưa vẫn chưa rời đi. Ảnh: NT
Dọc quốc lộ 1 theo hướng về Long An có bốn chốt kiểm soát thuộc TP.HCM. Trong đó có hai chốt tập trung tổng cộng khoảng 100 người dân miền Tây về quê là chốt ở khu vực thị trấn Tân Túc và xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Bám trụ, nấu mì tôm ăn để chờ qua chốt
Trưa cùng ngày, ở khu vực chốt chặn của lực lượng chức năng TP.HCM trên quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn thị trấn Tân Túc tập trung rất đông người miền Tây về quê bị chặn lại.
Trong tiết trời nắng nóng, họ tập trung đứng nép vào mái hiên một căn nhà gần đó để chờ.
Ngồi chờ trên vỉa hè, chị Phan Thị Cẩm Nh. (35 tuổi, quê Cần Thơ) cho biết cùng chồng làm thợ hồ ở xã Lộc An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Một người phụ nữ sau hành trình dài thì bị chặn lại tại chốt nên tranh thủ mở hộp cơm không để ăn, mỗi lúc mắc nghẹn thì uống ngụm nước lã. Ảnh: NT
“Trước khi tôi trả phòng trọ để về quê thì có hỏi công an xã Lộc An rằng có xin giấy về quê được không. Công an nói là được, nếu xét nghiệm COVID-19 âm tính thì cứ về. Chúng tôi có ra chốt ở Long Thành hỏi lực lượng ở đó rằng với giấy tờ như vậy thì có ra về được không thì họ nói là ra về được cho nên chúng tôi mới đi” – chị nói.
Theo chị Nh, sau đó hai vợ chồng đã trả phòng trọ dọn dẹp hết đồ đạc để về quê.
“Giờ chúng tôi lên lại cũng không được nữa vì nhà trọ đã trả rồi. Chủ nhà trọ trước khi chúng tôi đi cũng đã thống nhất rằng đã đi là không quay lại vì họ cũng sợ mang dịch bệnh về” – chị tiếp.
Lực lượng chức năng giải thích, vận động với người dân quay trở lại vì việc đi xe máy để về quê là điều không thể. Ảnh: NT
Người phụ nữ cho biết rời quê lên Đồng Nai làm thợ hồ nhưng làm được mấy ngày thì bùng dịch. Hai vợ chồng ở không đã hai tháng chờ dịch lắng xuống để đi làm nhưng càng chờ, càng lâm vào cảnh túng bấn.
“Chúng tôi gom tiền xét nghiệm, giờ chỉ còn đúng 300.000 để đổ xăng. Ăn thì đã có mì tôm mang theo. Sáng giờ chỉ nhịn đói chạy xe, giờ có phạt chúng tôi cũng không có tiền đóng mà kêu chúng tôi quay về chúng tôi cũng không đi được” – chị buồn bã nói.
Một người đàn ông dáng vẻ khắc khổ cho biết hai vợ chồng lên Bình Dương làm thợ hồ. Dịch bệnh COVID-19 kéo dài, họ đã mất việc khoảng hai tháng nay, kinh tế kiệt quệ.
“Tôi ở TP Thủ Đức, giờ hết tiền, người ta đòi lại phòng trọ nên tôi chỉ còn cách về quê. Giờ không qua được thì ngõ nào mà quay về. Nếu chúng tôi không được giải quyết cho qua thì chúng tôi ở đây luôn, ở đến khi nào được về thì thôi” – người đàn ông nói.
Người này cũng cho biết là có biết quy định không được đi xe máy về quê nhưng rơi vào cảnh “họ đuổi khỏi chỗ trọ, không có gạo thóc ăn rồi phải làm sao. Có ai ở được không?
Bây giờ tôi phải nằm ở đây thôi vì có mấy đứa nhỏ nữa, mì gạo tôi có mang theo đầy đủ luôn” – người này tiếp.
Tìm cách giải quyết cho người dân
Tại các chốt có tập trung đông người dân miền Tây bị chặn lại, các cán bộ thuộc UBND cấp xã hoặc lực lượng CSGT bắc loa, vận động, giải thích cho người dân hiểu các quy định về phòng chống dịch bệnh.
Theo một số người dân, khi lưu thông qua các chốt từ Đồng Nai, Bình Dương lên TP.HCM đều khá thông suốt. Khi đến địa bàn huyện Bình Chánh, mặc dù đưa ra các giấy tờ nhưng đều không được chấp thuận. Trong khi đó, nếu kéo dài thì giấy xét nghiệm âm tính của họ không còn tác dụng.
“Nếu ngay từ lúc ban đầu khi chúng tôi hỏi thì cơ quan chức năng khẳng định không về được thì chúng tôi còn biết đường. Chứ giờ đã đi đến đây rồi bị chặn thì chúng tôi không biết phải làm sao” – chị Phan Thị Cẩm Nh nói.
Lực lượng chức năng tại đây một mặt vận động, giải thích, mặt khác lấy danh sách để báo cáo, xin chỉ đạo từ cấp trên. Ảnh: NT
Trong lúc đó, một số người dân khác cũng thừa nhận rằng đã đi đường hẻm để qua các chốt trên đường trong khi người khác thì nói rằng phải “năn nỉ, xin xỏ” rất dữ mới có thể đi được đến địa bàn huyện Bình Chánh.
Chị Nguyễn Thị Đ (34 tuổi, quê Bạc Liêu) cho biết từ 7 giờ sáng đã xuất phát từ Đồng Nai để về quê. Khi cả gia đình bốn người đến chốt ở địa bàn xã Tân Kiên thì bị chặn lại.
“Tôi hiện đang mang thai, giờ rất mệt nhưng không thể quay về được nữa vì nhà trọ đã trả rồi. Nếu không cho tôi qua thì tôi ở đây thôi chứ quay lại thì lấy gì mà sống” – chị Đ nói.
Một phụ nữ giấu tên ngồi chờ trên vỉa hè ở chốt tại thị trấn Tân Túc cũng cho biết cùng chồng đi làm công nhân may ở TP Thủ Đức và hiện đang mang thai tám tháng.
“Tôi chỉ còn cách về quê để sinh chứ giờ không thể ở TP.HCM được nữa rồi. Sáng giờ chưa ăn đi đến đây thì bị chặn lại. Bây giờ bụng hơi đau mà không biết phải làm sao. Mong được cơ quan chức năng giải quyết sớm cho chúng tôi” – người này nói.
Theo một cán bộ xã Tân Kiên, ban đầu sẽ vận động, giải thích cho người dân hiểu nhưng sau đó sẽ có biện pháp cưỡng chế nếu người dân tụ tập, không chịu rời đi trong thời gian dài.
Trong khi đó, do có khá đông người dân về quê bị chặn lại các cán bộ CSGT hỏi han, giải thích… Một CSGT lấy các thông tin, quê quán, biển số xe máy… của người dân để lập danh sách. Qua trao đổi với PV, người này cho biết hiện đang lập báo cáo và gửi lên cấp trên để chờ chỉ đạo.
Riêng ở chốt ở khu vực xã Tân Kiên, lực lượng chức năng tích cực giải thích cho người dân quay trở về nơi xuất phát, đồng thời tìm hướng tháo gỡ. Theo một cán bộ văn hóa xã Tân Kiên trực tại chốt thì hiện đang vận động, tuyên truyền cho bà con hiểu các quy định, bên cạnh đó tìm các phương án giải quyết.
Qua mạng xã hội, người này tìm ra được một liên kết về thông tin hỗ trợ người dân Đồng Tháp về quê. Sau đó, vị cán bộ phát loa, báo tin cho những người ở đây khai lên phiếu để có thể có phương tiện là xe ô tô chuyên chở từ nhóm hội đồng hương trên mạng xã hội.
PV lưu thông theo hướng về tỉnh Long An khi đến chốt cuối cùng thuộc địa bàn TP.HCM thì được yêu cầu quay đầu, một CSGT tại chốt thông báo kể cả phóng viên cũng không thể qua chốt.
Lực lượng ở đây chỉ giải quyết cho đi qua với xe tải chở hàng, xe chở người trọng bệnh đi cấp cứu. Với tất cả người dân trở về quê hay lưu thông vì lý do không chính đáng hoặc phải quay đầu, hoặc bị lập biên bản xử phạt.
PLO