Trang 1 Trang 2 Trang 3Kế tiếp
Hồ Biểu Chánh (1884–1958), tên thật là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên; là một nhà văn tiên phong của miền Nam Việt Nam ở đầu thế kỷ 20.
Ông xuất thân trong một gia đình nông dân, thuở nhỏ học chữ Nho, sau đó chuyển qua học quốc ngữ, rồi vào trường trung học ở Mỹ Tho và Sài Gòn. Ông học tiếng Pháp ở trường Collège de Mytho, nay là trường THPT Nguyễn Đình Chiểu.
Chân dung nhà văn Hồ Biểu Chánh
Ông sáng tác văn học rất nhiều và để lại hơn 100 tác phẩm gồm tiểu thuyết và các thể loại khác, như: nghiên cứu, phê bình văn học, sáng tác tuồng hát cùng các bản dịch văn học cổ điển Trung Quốc như Tình sử, Kim cổ kỳ quan… đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của nền văn học Việt Nam hiện đại.
Tiểu thuyết của ông thuộc về thời kỳ đầu của văn học chữ quốc ngữ, cốt truyện đơn giản, lối viết mộc mạc, chân thật, triết lý chủ đạo là thiện thắng ác, ở hiền gặp lành, điểm đặc biệt là rất Nam Bộ, từ giọng văn đến miêu tả con người. Văn chương của ông còn bao quát nét văn hóa đặc trưng của người dân Nam Bộ những năm đầu của thế kỷ XX.
Hồ Biểu Chánh có sở trường về viết văn xuôi tự sự. Đề tài phần lớn là cuộc sống Nam Bộ từ nông thôn đến thành thị những năm đầu thế kỷ 20 với những xáo trộn xã hội do cuộc đấu tranh giữa mới và cũ. Cách diễn đạt của ông nôm na, bình dị. Hồ Biểu Chánh đã có những đóng góp to lớn vào sự hình thành thể loại tiểu thuyết trên chặng đường phôi thai. Ông để lại một khối lượng sáng tác không nhỏ: 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn và truyện kể, 12 vở hài kịch và ca kịch, 5 tập thơ và truyện thơ, 8 tập ký, 28 tập khảo cứu-phê bình. Ngoài ra, còn có các bài diễn thuyết và 2 tác phẩm dịch.
Lòng dạ đàn bà
Tác giả: Hồ Biểu Chánh
Chương 1
Mặt trời chen lặn, ngọn gió lao rao. Dọc theo đường Cái-Tắc đi Long-Mỹ, lúa gần chín, nên trông ra ruộng có đám ửng vàng, có đám còn xanh lét.
Ngang mấy xóm, người ta thừa hứng cái cảnh trời chiều mát-mẻ, nên lăng-xăng ngoài đường, người thì chấp tay sau đít, bước chậm-rãi, mắt ngó mông vô đồng; kẻ thì ngồi dựa bên lề, mặt tươi cười, miệng nhai nhóc-nhách; khúc thì dụm năm dụm ba hỏi nhau lúa trúng ước mấy giạ một công; chỗ thì con gái con trai trửng-giỡn chạy tứ tung, nói cười inh-ỏi.
Cái cảnh vui-vẻ dường ấy, con người thảnh thơi dường ấy, mà sao trước nhà của ông Hội-Ðồng Lê-Tấn-Thành, cũng ở dựa bên khúc lộ nầy, lại vắng-hoe, trong nhà lặng-lẽ, ngoài ngõ im-lìm. Hàng rào dưới xây gạch, trên song sắt, chạy dọc theo đường bị cỏ mọc che khuất nhiều khúc, coi chẳng khác rào hư. Cái cửa ngõ sắt, một cánh mở hé, còn một cánh thì khép hoài, nên chốt bị sét đóng, xô mở không nổi.
Trong sân thì kiểng vật ê-hề, nhưng mà mấy hàng cây tây trồng dài theo đường đi, không săn sóc, không tỉa nhánh sửa lá, nên bụi rậm-rịt tàn lan, bụi ngã xiên ngã xó. Mấy chậu kiểng không tưới nước, không bắt sâu, nên chậu nứt đất bày rễ, chậu rụng lá khô gốc.
Cái nhà rộng lớn đồ-sộ, giá cất đến bạc muôn, mà cửa đóng bì-bịt, thềm đầy lá khô, trông ra thì đã biết đã lâu rồi chủ nhà không tiếp khách.
Thình-lình có một cái xe hơi thùng kiếng còn mới tinh, ở Long-Mỹ chạy ra đậu ngay cửa ngõ ông Hội-Ðồng Thành. Anh sớp-phơ mặc đồ tây vàng, đội kết vàng, đi giày trắng, nhảy xuống mở cửa xe rồi đứng nép một bên, bộ cung kỉnh người đi xe lắm.
Trên xe thủng-thẳng bước xuống một cô, mặc áo quần lụa màu trứng gà, đầu choàng khăn sạt cũng màu trứng gà, vai mang cái choàng tơ màu xám thiếc. Cô trạc chừng 30 tuổi, gương mặt tròn-trịa, nước da trắng trong, má bầu mà lại ửng hồng, mày vòng nguyệt mà lại nhỏ rức, răng trắng mà khít rịt, môi mỏng mà đỏ au, miệng vui vẻ tươi cười, mắt long-lanh chói sáng. Bước xuống xe rồi, cô thủng-thẳng lột cái choàng mà liệng vào xe, mùi dầu thơm bay ngọt-ngào. Con tỳ-nữ còn trong xe, chụp lấy cái choàng ngồi mà xếp. Cô đứng ngó vô cửa mà nói rằng: “Phải cái nhà nầy rồi, mà thế chủ nhà đi khỏi hay sao nên cửa đóng bì-bịt vậy kìa? Trong a! Xách cái bốp đi vô đây với cô”. Con tỳ-nữ ôm một cáp bốp da lớn leo xuống xe mà đi theo.
Cô mỹ-nữ nầy bước vô sân, thấy kiểng-vật tiều-tụy, đường-sá bịt bùng, cảnh xem vắng-hoe lòng bắt ái-ngại. Cô thủng-thẳng đi dọc theo chái nhà mà vòng vô phía sau. Có hai con chó vàng nằm lim-dim tại cửa sau, thấy dạng khách lạ thì tuôn ra mà sủa. Một ông già ở trần, lưng đen trạy, ăn trầu, miệng bô-bô, bước ra la chó. Cô mỹ-nữ hỏi có ông bà Hội-Ðồng ở nhà hay không, thì ông già đáp rằng: “Thưa, có một mình bà tôi ở nhà. Ông tôi ở trên Sài-gòn”.
Cô mỹ-nữ theo ông già mà vô nhà sau, rồi bắt đó đi thẳng ra nhà lớn. Cô vừa bước chơn lên thềm thì la lớn rằng: “Bà Hội-Ðồng ở đâu? Có khách xa tới xin cơm đây nè”. Cô vừa bước vô và nói và cười ngất,
Bà Hội-Ðồng đương nằm tại bộ ván dựa cửa, bà giựt mình lồm-cồm ngồi dậy. Cô gái lớn của bà là cô Kim-Lang, 14 tuổi, ngồi thêu một bên đó, cũng buông cây kim, ngước mặt lên ngó. Bà Hội-Ðồng vùng la: “Ủa, cô tư! Vậy mà tôi tưởng là ai đâu chớ! Cô đi đâu xuống tới dưới nầy? Mạnh giỏi há?”.
Cô mỹ-nữ ấy cười mà đáp rằng: “Ờ, tôi xuống thăm chị, chớ đi đâu. Tôi mạnh giỏi luôn-luôn. Còn chị làm giống gì mà ốm dữ vậy? Chị đau hay sao? Anh Hội-Ðồng đi đâu mà đóng cửa bì-bịt vậy?” Bà Hội-Ðồng nghe hỏi tới chồng, thì đổi sắc, bộ buồn-bực lắm và thở ra mà nói: “Từ hồi làm Hội-Ðồng tới giờ, cứ đeo ở trên Sài-gòn hoài, có ở nhà đâu”.
Bà Hội-Ðồng tên là Kim-Diệp, năm nay được 35 tuổi. Hồi còn xuân-xanh, bà là một gái vừa có sắc, vừa có hạnh, mà lại cha mẹ có tiền nhiều, bởi vậy những con nhà giàu, những người có học-thức, ai cũng trầm-trồ gắm-ghé. Lúc nhỏ cô Kim-Diệp học tại Nhà Trắng Sài-gòn, tới 19 tuổi mới thôi học mà lấy chồng. Cô ở với ông Hội-Ðồng Lê-Tấn-Thành có ba đứa con, một đứa con gáî tên Kim-Lang, 14 tuổi, đứa con trai tên Tấn-Ðức, 10 tuổi và một đứa con gái út tên Kim-Cúc, mới 4 tuổi.
Còn cô mỹ-nữ tới thăm đây tên là Thanh-Thủy, vốn là chị em bạn học với bà Hội-Ðồng. Hồi 18 tuổi, cô lấy chồng là một quan lương-y bổn-quốc có danh ở Sài-gòn, đến 25 tuổi, rủi chồng mất, cô không có con, mà có của, cô mới mua một cái nhà thiệt đẹp ở đường Mayer, trước có sân rộng, hai bên có trồng cây mát-mẻ, mà ở với một đứa cháu gái, tên là Thanh-Bạch, 15 tuổi, rồi mua hột xoàn đi lục tỉnh bán chơi, không thèm lấy chồng khác.
Tuy hai cô Kim-Diệp và Thanh-Thủy lớn lên có chồng mỗi người ở một nơi, nhưng mà tình chị em vẫn còn thân thiết, nghĩa đồng-song vẫn còn mặn-mòi như xưa. Từ ngày cô Thanh-Thủy đi mua bán hột xoàn thì cô thường hay ghé thăm cô Kim-Diệp, duy có năm rồi, miệt Rạch-giá, Cần-thơ, Sóc-trăng, Bạc-liêu, thiên hạ bị khuẩn-bách[1] nặng-nề, ít mua hột xoàn, cô không xuống mấy tỉnh nầy, nên cô không có ghé.
Cô Kim-Diệp thấy có khách mới sai con kêu trẻ ở nhà mà biểu đi đốt đèn, trải chiếu lăng-xăng.
Cô Thanh-Thủy ngồi nói om-sòm, hỏi lia-lịa một hồi, rồi nói rằng:
– Mới năm ngoái với năm nay tôi không xuống miệt nầy, nên không gặp chị. Bây giờ tôi coi sao vóc chị ốm nhiều, mà sắc chị lại buồn lắm vậy chị?
– Vì tôi buồn việc nhà nên tôi hư lung lắm.
– Ối, việc nhà hơi đâu mà buồn. Cuộc kinh-tế khủng-hoảng nầy lâm-nguy cho thiên-hạ hết thảy, chớ phải có một mình chị bị hay sao mà chị buồn. Ðừng có buồn giống gì hết. Lên Sài-gòn chơi, lên ở nhà tôi uống thuốc. Tôi coi chị ốm lắm đa, phải uống thuốc mới được.
Cô Kim-Diệp nghe mấy lời thì cô ứa nước mắt rồi chậm-rãi đáp rằng:
– Cái phần của cô sung-sướng, cô tưởng ai cũng như cô vậy hết, nên việc gì cô tính nghe cũng dễ như chơi được. Phải tôi mà được như cô thì nói gì!
– Trời ơi! Bây giờ chị nầy chỉ phân-bì với tôi chớ! Phận tôi góa bụa không con, ở tròi-trọi[2] một mình. Còn chị thì có chồng, làm tới chức đại-biểu của dân, danh-giá lừng-lẫy, có con gái con trai đủ hết, lại có nhà cửa lớn, ruộng đất nhiều nữa, mà chị trở lại phân-bì với tôi chớ. Tôi biết rồi, chắc anh Hội-Ðồng chơi bời mắc nợ mắc nần, làm cho chị cực lòng chớ gì, phải vậy hay không, chị Hai?
– Chuyện nhà của tôi, nói không hết được. Ủa, mà trời đã tối rồi tôi quên biểu bầy trẻ lo cơm nước cho cô ăn chớ. Kim-Lang a, con xuống biểu bầy trẻ bắt vịt làm thịt đặng dọn cơm riết cho dì con ăn, nghe con.
– Trời ơi, tôi đói bụng, mà đợi làm vịt, rồi chừng nào mới có cơm ăn.
– Không sao đâu, làm một chút thì rồi. Lâu gặp cô, nên gặp tôi mừng quá. Tôi bắt cô ở lại đây, tôi không cho đi.
– Bắt ở lại chi vậy?
– Chị em lâu gặp nên nói chuyện chơi.
– À ạ! Tôi tưởng chị bắt ở đặng làm bé ảnh nữa chớ. Tôi nói trước cho chị biết, cái đó không được a. Ảnh thiệt kỳ quá, từ ngày nhà tôi mất, hễ ảnh gặp tôi là ảnh theo chọc ghẹo tôi hoài.
– Cái tánh vậy đó đa, thấy ai cũng muốn hết. Chớ chi mà được cô, là chị em, thì tốt lắm, ngặt …
– É! Chị khéo nói thì thôi! Ai mà chịu vậy nà!
Cô Thanh-Thủy và nói và[3] cười ngất.
Ăn cơm tối rồi, cô Kim-Diệp cầm cô Thanh-Thủy ở lại ngủ. Từ ngày ở Nhà Trắng hai chị em phân rẽ nhau tới nay chẳng có dịp nào mà được gần-gũi nhau cho nhiều ngày giờ. Hôm nay nhà vắng-vẻ, đêm im-lìm, ngoài sân gió bấc thổi lao-rao, trong vườn bóng trăng soi vặc-vặc[4]. Hai chị em nằm chung một ván, to nhỏ tâm sự với nhau. Nhờ cái dịp ấy, cô Thanh-Thủy mới hiểu cô Kim-Diệp buồn-rầu đến nỗi ốm là tại ông Lê-Tấn-Thành từ ngày đắc cử làm nghị-viên Hội-Ðồng Quản-Hạt, ông giao-thiệp rộng, lên xuống Sài-gòn thường, rồi ông sa-đắm một cô mỹ-nữ, tên là Ba Huyền, 22 tuổi, nhan-sắc thiệt là xinh đẹp, mà tánh-nết thiệt là lả-lơi, mua một cái nhà tại Phú-Nhuận mà ở với cô, sắm xe hơi cho cô đi chơi, mua hột xoàn cho cô trang-điểm, ngày như đêm say-sưa mê-mẩn cùng duyên mới, không kể gì đến vợ hiền-đức, con thơ-ngây ở nhà.
Cô Kim-Diệp thuật hết mọi việc rồi cô khóc tấm-tức tấm-tưởi mà nói thêm rằng:
“Tôi không dè cái đời của tôi mà phải trêu cay nuốt đắng như thế nầy. Con gái lớn đương học tại trường đầm, hôm tháng trước tôi phải rút về đặng mẹ con hủ-hỉ giải buồn. Thằng con trai đã 10 tuổi rồi, mà không có ai lo kiếm trường cho nó học. Còn ruộng đất thì lúa đã khởi sự chín, mà không ai sắp-đặt thâu góp, day trở trong ngoài chỉ có một mình tôi. Tôi nói thiệt, nếu tôi không có mấy đứa nhỏ thì tôi đã chết rồi, chết cho khuất mắt, chết cho hết cực lòng, nhọc trí lo ngày đêm nữa.”
Cô Thanh-Thủy nghe những lời thảm-thiết, thấy cái sắc ưu-sầu của chị em bạn, thì cô động lòng, nên cô cũng ứa nước mắt. Cô nằm gác tay qua trán mà thở ra, rồi vùng ngồi dậy nói rằng: “Ðời nầy có chồng thì phải giữ-gìn. Tại chị hơ-hỏng quá, nên mới ra cớ đỗi như vậy. Mà thôi, chị đừng có buồn rầu nữa. Người phải, không lẽ trời hại đâu. Chị phải gượng làm vui, mà nuôi con. Tôi về ít bữa thì chị sẽ được tin tôi. Tưởng là ai lạ, chớ con Ba Huyền tôi biết nhiều”.
Sáng bữa sau, cô Thanh-Thủy từ cô Kim-Diệp mà về, cô ôm mấy đứa con của cô Kim-Diệp mà hun từng đứa và nói rằng: “Con như vầy mà bỏ đành, cái anh nầy thiệt là tệ!”. Trước khi lên xe, cô lại nắm tay cô Kim-Diệp mà nói rằng: “Xin chị hãy nghe lời tôi, chị đừng buồn nữa. Ở nhà cứ lo góp lúa và dạy con, nếu chị buồn mà chị đau thì tôi giận chị lắm đa”.
————–
[1] quẫn bách, khốn đốn, ngặt nghèo đến hết đường giải quyết
[2] trơ trọi, đơn độc
[3] vừa nói vừa
[4] vằng vặc