Gã phù thủy miền Tây cắt đầu đàn bà để luyện ‘thiên linh cái’

0
4826

Trang 1 Trang 2Kế tiếp

Dù đã nhiều năm trôi qua, người dân xã Tân Quới, huyện Thanh Bình của vùng Đồng Tháp Mười vẫn chưa nguôi ngoai vụ thảm sát kinh hoàng, cắt đầu hàng loạt phụ nữ gây ra bởi một gã thầy bùa nhằm luyện tà thuật “thiên linh cái”.

Ngày nay, Cù lao Tân Huề có một ngôi mồ hoang nằm chìm nghỉm dưới vũng lầy toàn cỏ dại xen lẫn bèo tây. Ngôi mồ ấy là của một tử tội, thầy bùa khét tiếng Phạm Văn Tuấn, kẻ đã hãm hiếp và giết chết 4 phụ nữ để lấy sọ luyện bùa phép.

-Quảng Cáo-

Mồ chôn của thầy bùa

Dòng kênh Mã Trường uốn cong qua ấp Hạ, xã Tân Quới, huyện Thanh Bình của vùng Đồng Tháp Mười yên bình như bao vùng quê miền Tây Nam bộ khác. Cuộc sống của người dân chân chất, hiền hòa xứ miệt vườn còn được điểm thắm hơn bởi những điệu lý, câu hò mượt mà, sâu lắng trên đò ghe qua lại. Rồi đến một ngày, cũng trên dòng kênh ấy đã xảy ra một biến cố kinh hoàng…

Chiếc ghe của thần chết

Câu chuyện đau lòng đã xảy ra cách đây gần 15 năm, nhưng trong tiềm thức của người dân các xã Tân Bình, Tân Huề và Tân Quới vẫn hằn sâu một vết thương đến nay vẫn còn rỉ máu. Năm 1995, dòng kênh Mã Tường xuất hiện một chiếc ghe lênh đênh của một người đàn ông bí ẩn trạc tuổi ngũ tuần, tướng mạo hiền từ, giọng nói đầm ấm rất dễ gần, sống phiêu dạt rày đây mai đó. Khi ghe cập vào ấp Hạ, cũng là nơi ông ta cho rằng địa thế phong thủy tốt sẽ chọn điểm này dừng chân để hành đạo cứu đời.

Lúc đầu, ít người để ý bởi họ nghĩ rằng ông ta sống một thời gian ngắn rồi chuyển đi nơi khác. Nhưng rồi việc bốc thuốc chữa bệnh không lấy tiền nhưng rất mát tay của người đàn ông này đã chiếm được cảm tình của nhiều người. Bà con ở đây gọi ông là thầy Hai Tưng, tên thật là Phạm Văn Tuấn sinh năm 1957. Trước đây, mỗi lần ai bị bệnh đều phải ra thị trấn mua thuốc nhưng từ khi có thầy Hai, sức khỏe của hầu hết bà con ở ấp Hạ đều nhờ thuốc miễn phí của thầy. Tiếng lành đồn xa, người dân ở địa phương lân cận cũng tìm đến thầy khi trái gió trở trời.

Một thời gian sau, thầy Hai Tưng đón một người đàn bà tên Trần Thị Thể đến sống cùng. Người dân ở ấp Hạ nghe đâu quê thầy Hai ở tận An Biên – Kiên Giang, ở đó thầy đã có vợ và 3 đứa con nhưng do theo đuổi đạo hạnh nên thầy đã một mình với chiếc ghe rong ruổi ở nhiều vùng sông nước trước khi đến với cái ấp Hạ nghèo nàn này. Ai cũng nghĩ, người tốt như thầy Hai thì có người phụ nữ nào đến chăm sóc cũng là việc tốt, kẻo đơn thân giữa lênh đênh sông nước khi có chuyện chẳng biết bấu víu vào đâu..

Sự hào phóng của con người Nam bộ được thể hiện khi ông Bảy Chạp đồng ý cho thầy Hai và cô Thể mượn một thửa đất trống bên dòng Mã Trường để cất chòi ở tạm. Không những thầy Hai mừng khôn xiết mà người dân ấp Hạ và những xã xung quanh dòng kênh cũng mừng vì có được một ân nhân bốc thuốc chữa bệnh miễn phí.

Kể từ khi có cuộc sống mới, thầy Hai lại càng tỏ vẻ đạo hạnh hơn, ông ta thường mặc áo bà ba trắng, tóc để dài búi củ tỏi, đi đâu thầy cũng tỏ thái độ hòa nhã, thân thiện với mọi người. Nhà ai có lễ lạt, mâm cao cỗ đầy mời thầy đến, mặc cho mọi người chúc tụng nhưng thầy Hai vẫn giản dị khi chỉ xin một chén cơm trắng với ít muối mè hoặc rau xanh, tuyệt nhiên không màng đến thịt cá. Ở cái vùng miệt vườn chất phác này chỉ cần có được cảm tình của người dân thì tiếng lành lan nhanh như tia nắng mặt trời, và cứ thế lời thầy Hai nói ra là có trọng lượng, tiếng tăm nức cả một vùng.

Sự mất tích bí ẩn của nhiều cô gái

Bên cạnh tài bốc thuốc chữa bệnh, thầy Hai còn giỏi về việc thi triển pháp thuật và mục đích cuối cùng như thầy giải thích cũng là để phổ độ cứu người. Người dân ấp Hạ thường vẫn nghĩ rằng, thầy Hai là người chay tịnh nên một lần vô tình thấy bà Thể đi mua mấy miếng thịt heo còn rỉ máu xách về nhà, có người đã gặng hỏi: “Nghe nói thầy Hai ăn chay, mua thịt về làm gì?”. Thể vốn là người nhanh nhảu vả lại nghĩ rằng hầu hết người dân ở đây đã xem thầy Hai là “Đức Thánh sống” nên cũng chẳng giấu diếm: “Thầy dùng thịt sống triệu lĩnh các oan hồn để luyện bùa phép. Môn phái tu luyện của thầy rất bí hiểm tên gọi là Thiên Linh Cái có oai lực kinh người có thể điều khiển được mây mưa sấm chớp, cải tử hoàn sinh… Phép này thầy học được của các bậc danh sư ở vùng Bảy Núi – Châu Đốc – An Giang”. 

Trong một lần như để “lăng xê” bản lĩnh của mình với mọi người, thầy Hai giải thích: “Thiên” có nghĩa là thiên biến vạn hóa, còn “Linh” là linh ứng, chữ “Cái” có nghĩa rất rộng về căn cơ, trong đó hàm ý cắt nghĩa về chính. Ai luyện được môn phép này sẽ có khả năng thần kỳ, biết trước mọi chuyện sẽ xảy ra trong tương lai cũng như việc khống chế và điều khiển được các âm binh cũng như các oan hồn theo ý mình. Nếu luyện đến mức độ thượng thừa, có thể đi mây về gió, độn thổ biến hình, trường sinh bất lão…

Ông ta còn khẳng định: nếu ai muốn mua may bán đắt, ai muốn giữ chồng hay muốn được chồng bỏ rơi mình, ông ta đều làm được tất tần tật và đảm bảo hiệu nghiệm 100%”. Như vậy từ hành nghề bốc thuốc, thầy Hai bây giờ kiêm luôn món bùa chú khiến thiên hạ càng thêm nể trọng. Những ngày linh ứng, thầy thường mua vài ba con gà vịt và ít thịt lợn về cúng tế, tiện thể mượn hàng xóm cái nồi thật lớn để về hầm đầu heo. Tất nhiên là khi cúng xong, thầy thường mang cho bà con các đồ lễ vì thầy chỉ ăn chay. 

Ấp Hạ vốn xưa nay thanh bình nhưng từ ngày thầy Hai về định cư bỗng náo nhiệt hơn hẳn, kẻ đến bốc thuốc, người đến xin cầu phép, làm bùa. Đa số người bốc thuốc thì đến ban ngày, còn những người muốn xin bùa phép phải chọn vào giờ tý nhập gia (vào nhà thầy) mới linh ứng. Căn chòi của vợ chồng Hai – Thể dần dần trở thành nơi đầy huyền bí, ma mị với những câu chuyện huyền hoặc; thậm chí người ở nhiều địa phương khác theo tiếng đồn cũng tìm về đây cắt thuốc xin bùa, chủ yếu là phụ nữ. 

Cho đến một ngày giữa tháng 5-2000, các vụ việc phụ nữ trong vùng bị mất tích bắt đầu xảy ra liên tiếp khiến người dân hoang mang. Chị Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1972, ngụ thị trấn Thanh Bình) làm nghề buôn bán đến nhà thầy Hai xin bùa để được mua may bán đắt và sinh con trai nhưng không thấy trở lại. Tiếp đến, sau đó khoảng vài tháng, chị Phạm Thị Đẹp (25 tuổi, ngụ xã Tân Thạnh) cũng bỗng dưng bị mất tích một cách bí ẩn. Em Lê Thị Nguyên (17 tuổi) cũng biến mất. Chị Trần Thị Phượng (25 tuổi, ngụ Tân Huề) nửa đêm chèo thuyền đến nhà thầy Hai xin bùa phép và mất tích từ đó.
 
Nhiều người vẫn mù quáng tin vào sức mạnh của bùa ngải
Bùa ngải
 

Trang 1 Trang 2Kế tiếp

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận