Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị tuyên 21 năm tù

0
40

Chiều 5.8, sau 2 tuần xét xử và nghị án kéo dài, TAND TP.Hà Nội tuyên án đối với cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) Trịnh Văn Quyết và đồng phạm.

Ông Trịnh Văn Quyết lãnh án cao nhất

-Quảng Cáo-

Giữ vai trò cao nhất ở cả 2 hành vi, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị tuyên phạt 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 năm tù về tội thao túng thị trường chứng khoán. Tổng hợp hình phạt là 21 năm tù.

Cùng tội danh, 2 em gái của ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế, cựu cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC và Trịnh Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán BOS, lần lượt bị tuyên 14 năm tù và 8 năm tù.

Theo cáo buộc, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã thực hiện thao túng 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, thu lợi bất chính hơn 723 tỉ đồng.

Ông Quyết còn chỉ đạo cấp dưới nâng khống vốn Công ty CP xây dựng FLC Faros (Công ty Faros), đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán HOSE, sau đó bán cho nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng.

Tính riêng cá nhân, ông Quyết chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền chiếm đoạt và thu lợi bất chính hơn 4.300 tỉ đồng.

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo phạm 2 tội danh nêu trên đã chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, gây ảnh hưởng xấu đến niềm tin của nhà đầu tư cũng như thị trường chứng khoán, cần phải xử lý nghiêm.

Tuy vậy, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng được ghi nhận đã có sự đóng góp vào phát triển kinh tế tại một số địa phương, tạo hàng ngàn công ăn việc làm cho người lao động, được một số địa phương có văn bản xin giảm nhẹ…

Thừa nhận sai phạm, rất hối hận

Quá trình xét xử, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết thừa nhận nội dung truy tố, xin chấp nhận bản án mà tòa tuyên; đồng thời nhiều lần bày tỏ nguyện vọng muốn dùng hết tài sản cá nhân để bồi thường cho các nhà đầu tư. Theo ước tính của bị cáo, số tài sản này trị giá khoảng 5.000 tỉ đồng.

Ông Quyết cũng nói “chưa bao giờ có mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư”. Bởi lẽ, khi mua lại công ty rồi đổi tên thành Faros, bị cáo có mong muốn duy nhất là xây dựng một thương hiệu lớn cho Tập đoàn FLC trong lĩnh vực xây dựng.

Khi xảy ra vụ án, Công ty Faros đang hoạt động tốt, bị cáo buộc phải bán cổ phiếu ROS với giá trị thấp hơn thực tế, để giải quyết khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bị cáo dự định sau khi giải quyết sẽ mua lại các cổ phiếu này, nhưng chưa thực hiện được thì bị bắt.

Trong lời sau cùng trước khi tòa vào nghị án, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết nói suốt sự nghiệp kinh doanh luôn mong muốn phát triển các lĩnh vực như sân golf, khu nghỉ dưỡng, bất động sản, hàng không. Tại cùng một thời điểm, để thực hiện đồng thời nhiều ước mơ và hoài bão lớn như vậy, bị cáo thừa nhận “đã phải làm một số việc vượt quá giới hạn pháp luật cho phép, dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay”.

Bị cáo cũng cho hay rất hối hận vì đã khiến nhiều người thân, người bạn và đồng nghiệp của mình, những người vì tin tưởng mình, mà rơi vào vòng lao lý; tha thiết xin hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ cho tất cả các bị cáo liên đới.

“Đây là bài học quá lớn sẽ ám ảnh suốt cuộc đời tôi và những bị cáo khác”, ông Quyết nói và thêm một lần xin hội đồng xét xử cho các bị cáo được hưởng khoan hồng.

Thanh Niên

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận